star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Quan điểm của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa


Từ nhận thức chưa đúng về kinh tế thị trường, xem kinh tế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, là đặc trưng riêng có của chủ nghĩa tư bản, đối lập kinh tế thị trường với chủ nghĩa xã hội đến nhận thức kinh tế thị trường là giá trị chung của nhân loại, Đảng ta đã xác định rõ kinh tế thị trường là mô hình kinh tế tất yếu khách quan của nền sản xuất lưu thông hàng hóa đã phát triển. Kinh tế thị trường ra đời như một quá trình lịch sử tự nhiên. Lịch sử nhân loại đã trải qua các mô hình kinh tế khác nhau như: Kinh tế tự nhiên; kinh tế tự cung, tự cấp; kinh tế hàng hóa (sản xuất hàng hóa giản đơn, sản xuất hàng hóa phát triển - kinh tế thị trường).

Kinh tế thị trường không phải là mô hình kinh tế riêng có của một quốc gia nào. Trong bối cảnh thế giới ngày nay kinh tế thị trường đang trở thành mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả và nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã và đang phát triển mô hình này. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta được xác lập gắn với quá trình hình thành và phát triển nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước đổi mới, nền kinh tế thị trường, cơ chế thị trường được coi là nền kinh tế và cơ chế chuyên biệt chỉ có ở phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ năm 1986, cùng với sự vận động của quá trình đổi mới tư duy kinh tế, Đảng đã nhìn nhận ngày càng sáng rõ hơn những mặt tích cực và sự tồn tại khách quan của cơ chế thị trường có định hướng trong nền kinh tế nước ta thời kỳ quá độ. Quá trình đổi mới tư duy lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định trên cơ sở khái quát lại quá trình nhận thức về nền kinh tế XHCN của Đảng.

Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986): Do tính kém hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp dưới áp lực của thực tiễn trong thời kỳ cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 trong nền kinh tế đã diễn ra những đổi mới từng phần theo hướng bước đầu thừa nhận thị trường là công cụ bổ sung cho kế hoạch, chủ yếu để tổ chức hoạt động kinh doanh ở cấp vi mô. Thực chất sự thừa nhận đó đã coi thị trường không còn đối lập với CNXH và có thể chấp nhận được trong quá trình xây dựng CNXH - đó là sự thay đổi khởi đầu về tư duy trên lĩnh vực kinh tế.

Những thay đổi đó được thể hiện qua Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8/1979), giai đoạn này là sự chuyển biến nhận thức và thực tiễn quan trọng mang tính đột phá, những tìm tòi chỉ đạo trong thực tiễn như: trong công nghiệp có thay đổi về cơ chế quản lý (nâng cao tính tự chủ, cải tiến quản lý xí nghiệp, phương thức hoạt động của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp), Quyết định: 25/CP (1/1981); Quyết định: 146, Quyết định: 196 của Hội đồng Bộ trưởng; trong thương nghiệp: Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (6/1980) về cải tiến phân phối, lưu thông; Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V (6/1985) đột phá trong đổi mới về giá - lương - tiền. Quá trình đổi mới từng phần đã có những bước chuyển tích cực trong việc nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp, nhưng chưa đủ để tạo ra bước ngoặt căn bản trong lý luận và thực tiễn về quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bởi chưa thừa nhận sở hữu tư nhân trong nền kinh tế; chưa thừa nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; nền kinh tế cơ bản vận hành theo phân phối hiện vật, phủ nhận quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh.

Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đến Đại hộ VIII của Đảng: Là giai đoạn đổi mới toàn diện cả cấu trúc và cơ chế vận hành nền kinh tế với nội dung chính là xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội đưa ra những quan niệm mới về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là quan niệm về công nghiệp hóa XHCN trong thời kỳ quá độ, về cơ cấu kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và thị trường, phê phán triệt để cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và khẳng định chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh. Đại hội có ý nghĩa như một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và sâu sắc. Với các vấn đề cụ thể:

Một là, thừa nhận sự tồn tại nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với các loại hình sở hữu khác nhau, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu sự điều tiết của thị trường. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển; đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất kinh doanh.

Hai là, thực hiện cơ chế một giá của thị trường đại bộ phận các hàng hóa, dịch vụ (7 mặt hàng định lượng cuối cùng bán theo giá chỉ đạo của nhà nước được xoá bỏ vào ngày 1/1/1989) từng bước áp dụng chế độ lãi suất và tỷ giá trên thị trường.

Ba là, từng bước giảm dần vai trò chỉ huy của nhà nước trong nền kinh tế và tạo điều kiện để các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tự chủ sản xuất kinh doanh theo quy luật thị trường.

Bốn là, mở cửa nền kinh tế và từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Năm 1988 ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, đó là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta được tiến hành từng bước và ngày càng sâu rộng, với quan điểm của Đảng đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, đa dạng hóa các hình thức kinh tế đối ngoại. Tiến trình đó được thể hiện: Năm 1993 khai thông quan hệ với WB, IMF; 1995 gia nhập ASEAN, nộp đơn gia nhập WTO; 1996 tham gia AFTA, ASEM; 1998 gia nhập APEC; 2000 ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ.Nhờ đổi mới, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh và vững chắc, tạo những chuyển biến cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng; giữ vững độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, tạo chuyển biến mạnh trong quá trình CNH, HĐH đất nước, cải thiện đáng kể đời sống các tầng lớp nhân dân, đạt thành tích ấn tượng về xoá đói, giảm nghèo và phát triển con người.

Giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN (2001 đến nay) “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Tại Đại hội IX của Đảng (2001), lần đầu tiên xác định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ.

Nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN dần được sáng tỏ, được phát triển cả về lý luận và thực tiễn qua Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X. Đặc biệt là quan điểm về tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là: “Thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng” Ngoài mục tiêu của nền kinh thị trường là lợi nhuận thì mục tiêu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam nhằm phát triển lực lượng, giải phóng sức sản xuất của xã hội và từng bước xây dựng tiền đề vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Đó là kim chỉ nam cho sự phát triển mô hình có tính đặc thù mà trong lịch sử chưa có tiền lệ.

Đại hội XI của Đảng (2011) đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra 8 phương hướng cơ bản cần quán triệt và thực hiện tốt, trong đó xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đại hội XI nêu rõ kinh tế thị trường định hướng XHCN là một hình thức của kinh tế thị trường, vừa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Đến Đại hội XII của Đảng (2016), Đảng ta có bước tiến mới trong nhận thức, quan điểm khi khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; đồng thời có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Kế thừa Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ  nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta vừa mang tính phổ biến (đặc trưng chung) của mọi nền kinh tế thị trường; vừa có đặc trưng riêng của tính định hướng XHCN. Hai nhóm nhân tố này cùng tồn tại, kết hợp và bổ sung cho nhau. Trong đó, nhóm đặc trưng chung đóng vai trò là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhóm đặc trưng riêng đóng vai trò hướng dẫn nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN. Thực tiễn đã chứng minh việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên LLCT