star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Quan điểm, chủ trương, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo tổ quốc hiện nay


1. Quan điểm: Quán triệt quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, đó là:

- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc;

- Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đấ nước;

- Giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn.

2. Chủ trương

- Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là BCT, BBT; sự điều hành, thống nhất của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong giải quyết tranh chấp, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, dựa vào nội lực là chính, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tranh thủ điểm đồng thuận, sự ủng hộ của các nước, nhất là các nước lớn, các nước trong khối ASEAN. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng và an ninh.

- Đấu tranh kiên trì bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và các cam kết mà Việt Nam là thành viên; không gây căng thẳng phản ứng quá mức, không để mắc mưu khiêu khích, rơi vào thế đối đầu, bị cô lập, bị lôi cuốn vào cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang; không mơ hồ mất cảnh giác, né tránh, nhân nhượng vô nguyên tắc; không sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực nhưng sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ chính đáng, xử trí thắng lợi các tình huống.

- Giải quyết tốt các vụ việc; tiến hành các biện pháp đấu tranh trên thực địa từ thấp đến cao, không để nước ngoài lợi dụng sơ hở để kích động, gây rối bên trong hoặc leo thang tranh chấp trên biển, đảo.

- Giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Trước mắt cần giữ nguyên hiện trạng, ngăn chặn, phải đối các nước xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tăng cường hoạt động quân sự trên các đảo nhân tạo; kiên trì cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp thiết thực vào giữ gìn hoàn bình, ổn định ở Biển Đông.

- Tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông; đấu tranh kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý của các nước ở Biển Đông.

3. Một số giải pháp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo

- Một là, kiên định giải quyết bằng các giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử; tạo dư luận trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và dư luận quốc tế; chuẩn bị cả phương án đưa ra tòa án quốc tế khi cần thiết. Chúng ta kiên trì, tránh xung đột nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm chúng ta sẵn sàng giáng trả bằng quyền tự vệ chính đáng.

- Hai là, xử lý thật tốt mối quan hệ giữa toàn vẹn độc lập, chủ quyền và duy trì hòa bình ổn định. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cố gắng ở mức cao nhất duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Ba là, coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Giữ hòa hiếu, hòa khí, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc. Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

- Bốn là, giải quyết vấn đề Biển Đông phải thực hiện đường lối, quan điểm đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Trong quan hệ ngoại giao phải khôn khéo. Vừa đấu tranh cả song phương và đa phương, khôn khéo, bình tĩnh, tỉnh táo; trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (dĩ bất biến là bảo vệ vững chắc vẹn toàn lãnh thổ… của Tổ quốc; ứng vạn biến là giữ vững quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt).

- Ngoài các biện pháp đấu tranh trên, tăng cường các biện pháp ngoại giao và sự đồng tình ủng hộ của thế giới; đây là thời điểm phải đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc;…; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong nội địa (nguy hiểm nhất là giặc nội xâm).

Trong thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Chúng ta cần thực hiện tốt các định hướng được Đảng ta xác định như sau:

(1) Tiếp tục quán triệt mục tiêu, yêu cầu: kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển.

Đây là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó LLVT đóng vai trò nòng cốt.

(2) Theo sát tình hình, nắm chắc dư luận xã hội, xây dựng các kịch bản tuyên truyền, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

(3) Tiếp tục tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo; các nỗ lực về mọi mặt của ta nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của quốc gia trên biển.

(4) Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền ở mức độ phù hợp, không làm nóng tình hình; đưa tin với liều lượng hợp lý về các hoạt động trẽn thực địa của ta, kể cả khi tình hình diễn biến phức tạp, nhằm tạo dư địa cho đấu tranh chính trị, ngoại giao.

(5) Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên quan đến công tác đối ngoại, vấn đề Biển Đông, biên giới lãnh thổ. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục người dân (nhất là ở khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư, liên doanh, liên kết với nước ngoài, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào có đạo...) cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, kích động tư tưởng “bài Hoa”, gây mất ổn định chính trị, trật tư, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

 

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT