star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sáng tác Của Nguyễn Huy Thiệp


 

Văn học Việt Nam sau 1975 là chặng đường chuyển tiếp nền văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học của thời kỳ hậu chiến. Tính chất chuyển biến này thể hiện rõ ở cả đề tài, cảm hứng, các phương thức nghệ thuật và cả quy luật vận động của văn học. Đáng lưu ý là từ 1986 trở đi, văn học đã có những chuyển biến khởi sắc trên nhiều phương diện của đời sống văn hóa, tư tưởng Việt Nam. Đây là thời kì khai mở, cởi trói cho giới văn nghệ sĩ trong việc tìm tòi sáng tạo. Đã có những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật gắn với ý thức dân chủ, tự do của người nghệ sĩ; với vấn đề nhân bản khi xuất phát từ các quan niệm đa chiều; và với tính phê phán do nhận thức rõ các hạn chế, tiêu cực của xã hội…Xuất hiện trong giai đoạn văn học này, Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong dòng mạch chung ấy. Tác phẩm của ông thể hiện rõ quan niệm về con người, về văn hóa và về văn chương nghệ thuật. Song để có được những sáng tác gây chấn động dư luận, ngoài yếu tố cá nhân, Nguyễn Huy Thiệp còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của hiện thực đời sống xã hội lúc bấy giờ.

Nguyễn Huy Thiệp thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tuy nhiên, ông được bạn đọc biết đến như một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi thời kỳ đổi mới.

Ông sinh ngày 1950, quê huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Trong suốt giai đoạn tuổi trẻ của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, từng lăn lóc nếm trải những đắng cay, vất vả của cuộc sống. Ông nói: “Tôi dạy học, làm thợ mộc, thợ nề, thợ gốm, buôn bán, mở nhà hàng…Cuộc sống “bách nghệ” ấy dạy cho tôi nhiều điều và cho tôi nhiều hiểu biết hơn bất kỳ trường học nào” (Tạp chí Gia đình số 16). Phải chăng điều đó chính là cội nguồn của một thế giới nhân vật đa dạng, một cái nhìn toàn diện vừa tinh tế trước những vấn đề phức tạp của cuộc sống? Nhưng điều quan trong hơn là chính những vất vả từ cuộc sống đời thường đã thúc đẩy nhu cầu tinh thần của nhà văn, trong đó không loại trừ sự thõa mãn đời sống tâm linh. Vì vậy, nông thôn và những người lao động đã để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn…” (Những bài học nông thôn). Chính điều này về sau đã giúp cho nhà văn có được vốn kiến thức phong phú về nông thôn, về các vùng miền. Được đào tạo từ chuyên ngành lịch sử, có lẽ điều đó đã giúp Nguyễn Huy Thiệp có vốn văn hóa, vốn lịch sử về các triều đại thật uyên bác. Hơn thế nữa, anh cũng có điều kiện được đi thực tế nhiều nơi. Điều này là cơ sở để anh có những trang viết đậm nét về mảng đề tài về lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động,…

Xuất thân là một nhà giáo, sau này trở thành một nhà văn sinh hoạt văn nghệ tại thủ đô, Nguyễn Huy Thiệp am hiểu khá rõ những đồng nghiệp nhà giáo và nhà văn gần ông. Do vậy, quan điểm của các nhân vật trí thức thường sắc sảo, nhận diện chân được hiện trạng đời sống, nhưng không nên đồng nhất mọi quan điểm của nhân vật trí thức là quan điểm của tác giả bởi tính chất hư cấu và đối thoại đặc trưng của sáng tác ông.

Với Nguyễn Huy Thiệp, khoảng thời gian 10 năm sống và làm việc tại vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam. Một môi trường thiên nhiên trong trẻo, có phần hoang dã, tự nhiên từng để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều tác phẩm của ông: “Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật chỉ thấy những nét nhạt nhòa đại thể mà thôi. Đây là không khí huyền thoại” (Những ngọn gió Hua Tát). Màu sắc huyền thoại còn đậm hơn trong nếp tư duy và truyền thống văn hóa của con người Tây Bắc. So với đồng bào miền xuôi và những nơi Nguyễn Huy Thiệp đã từng sống, từng đi qua, hẳn là một cộng đồng các dân tộc ít người nơi đây sống gần với đời sống tín ngưỡng – tâm linh hơn. Ấy là bởi cuộc sống vật chất của họ còn nhiều gian khó, đời sống tinh thần cũng thiếu thốn. Môi trường đó sẽ tạo điều kiện để tôn giáo và nếp tư duy tôn giáo phát huy. Từ đây có thể giả thuyết rằng ông đã dựa trên những truyền thuyết có thật, nhưng đồng thời có thể khẳng định rằng yếu tố dân gian trong truyện của ông mang tính tác giả rất cao.

Không khí gia đình Nguyễn Huy Thiệp cũng là một môi trường nuôi dưỡng nhu cầu tôn giáo – tín ngưỡng. Ông nội và cha mẹ Nguyễn Huy Thiệp là những người theo Đạo Phật. Hẳn là bản thân nhà văn từ nhỏ đã được sống trong không khí huyền diệu, thiêng liêng của tôn giáo; hoặc ít nhất cũng có được những phút giây đối diện lòng mình với thế giới tâm linh, được thấy ở Phật giáo khả năng cứu rỗi tâm hồn, làm dịu bớt những muộn phiền, trắc trở từ sự thăng trầm trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ngay chính trong cuộc sống thường nhật của ông cũng mang không khí Tôn giáo. Thật khó có thể tưởng tượng được là Nguyễn Huy Thiệp lại sống trong một ngôi nhà giản dị, yên tĩnh; gian nhà thờ rộng hơn một phòng khách; một khu vườn rộng đầy cây và hoa; một bức tượng phật rất lớn, trầm mặc và trang nghiêm ngự trong vườn. Không gian gia đình mà nhà văn đang sống thật khó tìm thấy giữa lòng Hà Nội đầy náo nhiệt này. Và chính điều này đã làm cho các truyền thuyết trong sáng tác của ông trở nên rất đặc trưng. Nó được xem như là một trong những nét phong cách trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp suốt đời kiếm tìm nghĩa lý của văn chương, anh cho rằng: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí thành” (Giọt máu). Do vậy, cách của Nguyễn Huy Thiệp là “tạo dựng ra những nhân vật, dựng ra những tình huống để người ta suy ngẫm”. Cách này có tạo nên những đỉnh cao hay vực sâu trong tác phẩm, theo Nguyễn Huy Thiệp, nó chẳng liên quan đến ai khác, ngoài bản thể nhà văn, bởi trước hết, nó nằm trong sự bình yên hay sóng gió của nội tâm người viết.

Với Nguyễn Huy Thiệp, giải thiêng huyền thoại về con người, về văn hoá và văn học Việt Nam là quan điểm nhất quán của ông. Trên cơ sở sự nhất quán này, Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ một quan niệm nghệ thuật mới về con người. Con người là con người, đôi khi là những con người trần tục. Ngay cả vua chúa, anh hùng, văn nhân thi sỹ, nhà chính trị và các nhân cách văn hoá khác cũng được Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận ở phương diện con người bình thường với đầy những ham hố, dục vọng, những điểm yếu và những thăng hoa về phương diện tinh thần. Từ đó trong thủ pháp thể hiện, ông từ chối cái nhìn sử thi, hướng đến cái ngổn ngang bề bộn của cuộc sống trong thì hiện tại đang tiếp diễn và chưa hoàn tất. Vì hướng đến hiện tại và những nỗi lo âu hiện tại, Nguyễn Huy Thiệp đã phê phán hiện trạng đời sống, ông lưu ý đến sự hư hoại tinh thần của con người trong những định kiến hẹp hòi và những quy tắc văn hoá thấp kém có sức trì níu, kìm hãm sự phát triển của cá nhân con người. Phê phán những con người sống chạy theo tiền tài, dục vọng, thói ích kỷ, vụ lợi, làm hư hoại mối quan hệ người - người. Chính vì vậy mà khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắn nói “văn chương chỉ là một bộ phận của đời sống” nên “phải đối xử như đời thường”. Trong dòng chảy trôi của lịch sử văn học, đã có khá nhiều câu trả lời như thế nào là sự trung thực trong văn chương. Vũ Trọng Phụng từng nói: “Tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Nam Cao cũng đã tuyên ngôn: “nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”, nhà văn phải “mở hồn ra để đón lấy tất cả những vang động của đời”. Nhưng nếu chỉ gói sự trung thực vào việc tả chân cuộc sống thì khó tránh khỏi hạn hẹp. Nguyễn Huy Thiệp trong khi quan niệm trung thực như là bản chất của văn chương cũng đã trình khá cặn kẽ, toàn diện thế nào là trung thực: “Trung thực với mình, với người, với xã hội, với chữ nghĩa” [2, tr.145].

Với tâm niệm sâu xa ấy, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã đi được, và đi xa trên con đường hiện đại hóa văn học, với một căn cốt dân tộc bền vững. Và ông đã “khuấy đảo” sự bình yên của người đọc bằng cái nhìn tận sâu bên trong bản chất con người. Nhưng điều chúng ta quan tâm hơn, đó là sự “khuấy đảo” của kĩ thuật viết, tức “hình thức lạ”.

   Th.S Bùi Thị Kim Phượng

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nhiều tác giả, (2001), Phạm Xuân Nguyên sưu tầm, biên soạn, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[2].     Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nhà xuất bản Trẻ.