Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023. Chuyến thăm diễn ra thành công tốt đẹp, được dư luận quốc tế và trong nước hết sức quan tâm; tạo dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ từ đối thủ thành đối tác chiến lược toàn diện; tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Việt Nam hội nhập và phát triển.
1. Mục đích
- Đối với Việt Nam, mục đích lớn nhất, bao trùm của chuyến thăm là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là một cột mốc rất quan trọng nhằm triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.
- Đối với Hoa Kỳ: Một là, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, quốc phòng an ninh, giao lưu nhân dân, nhân đạo, biến đổi khí hậu. Hai là, thúc đẩy hợp tác quốc tế bao gồm việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực. Ba là, khẳng định cam kết của Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong hợp tác, hỗ trợ và thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bảo đảm tự do hàng hải - hàng không tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bốn là, hỗ trợ Đảng Dân chủ ghi điểm trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và Quốc hội vào 2024, quảng bá hình ảnh nước Hoa Kỳ; thúc đẩy và phổ biến “giá trị” Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
2. Kết quả chuyến thăm
2.1. Các nội dung chính trong trao đổi cấp cao
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và Tổng thống Biden nhất trí đánh giá tình hình quan hệ hai nước, khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; thống nhất phương hướng, biện pháp đã được nhất trí cụ thể hóa trong Tuyên bố chung xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
(i) Trong các trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo chủ chốt, Tổng thống Biden phát biểu:
- Khẳng định Việt Nam là một “đất nước tuyệt vời”, một “cường quốc chủ chốt” tại một khu vực trọng yếu và vào một thời điểm quan trọng; một đối tác rất quan trọng của Hoa Kỳ; thể hiện sự khâm phục Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đi theo con đường đúng đắn, đạt nhiềụ kết quả cả về đối nội và đối ngoại trong nhiều thập kỷ qua. Nhấn mạnh Hoa Kỳ nhất quán ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cương và thịnh vượng”.
Điểm lại lịch sử quan hệ hai nước 50 năm qua, từ chiến tranh đến khi bình thường hóa, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013 và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Biden bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chỉ Minh đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với quá trình hàn gắn, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
- Về xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước, Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, “cấp độ cao nhất” trong hệ thống thứ bậc quan hệ đối tác của Việt Nam, phù hợp với thực tế triển khai quan hệ song phương và lợi ích của Nhân dân hai nước. Khẳng định chuyến thăm diễn ra vào “thời khắc lịch sử”, đánh dấu khởi đầu của một “kỷ nguyên vĩ đại” của quan hệ hai nước, góp phần xác lập khuôn khổ để quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trong những thập kỷ tới. Cho rằng khuôn khổ quan hệ mới sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại một khu vực quan trọng hàng đầu của thế giới, tạo điều kiện để hai nước ứng phó ngày càng hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
- Lĩnh vực ưu tiên hợp tác, Hoa kỳ đề nghị lãnh đạo cấp cao Việt Nam chia sẻ về những ưu tiên của Việt Nam trong triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ thời gian tới. Từ góc độ ưu tiên của phía Hoa Kỳ, hai bên cho rằng cần ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực: Quan hệ chính trị - ngoại giao, kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm tự do hàng hải - hàng không tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
- Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, Tổng thống Biden bày tỏ mong muốn duy trì đà hợp tác kinh tế - thương mạỉ - đầu tư có lợi cho cả hai bên; đánh giá cao hai bên dành nguồn lực để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và những ngành công nghệ mới có tính then chốt, bao gồm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn; hoan nghênh hai bên đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, đầu tư phát triển lao động tay nghề cao, đặc biệt là trong khu vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tổng thống Biden bày tỏ tự hào về những kết quả mà hai bên đã đạt được trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, cụ thể là các hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu nổ, tẩy độc da cam/dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, tìm kiếm và xác minh hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích và bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh; coi đây là minh chứng cho tinh thần quật cường của Nhân dân hai nước, vượt lên quá khứ đau thương để trân trọng và vun đắp cho hiện tại và tương lai.
- Về các vấn đề khu vực và quốc tế: Khẳng định chuyến thăm này không phải là để thách thức hay chống bất cứ bên thứ ba nào, mà là nhằm góp phần xây dưng cộng đồng quốc tế tốt đẹp hơn; nhấn mạnh Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ lợi ích mang tính nguyên tắc là bảo đảm cho khu vực an toàn, ổn định, tự do và thịnh vượng. Khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm tại khu vực, nỗ lực vì đoàn kết, thịnh vượng chung. Hoan nghênh Việt Nam đã đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác, cam kết huy động tài chính, công nghệ giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch; nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông; mong Việt Nam hợp tác về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), sớm đạt kết quả trên cả 4 trụ cột cả IPEF.
(ii) Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chia sẻ về tình hình và thành tựu đổi mới của Việt Nam, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chính sách quốc phòng “bốn không”; hoan nghênh tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trên toàn bộ các trụ cột, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường quan hệ chính trị để củng cố nền tảng ổn định, lâu dài.
- Kế thừa thành tựu và duy trì đà phát triển của quạn hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, mở cừa thị trường; đề nghị Hoa Kỳ có cam kết chính trị mạnh mẽ và bước đi cụ thể để sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
- Mở ra các lĩnh vực hợp tác đột phá mới: Khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, giáo dục và đào tạo.
- Đề nghị Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh.
2.2. Tuyên bố chung
Tuyên bố chung khẳng định một lần nữa những nguyên tắc lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; Hoa Kỳ ủng hộ và hỗ trợ triển khai các ưu tiên, đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế của Việt Nam đã được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó:
- Hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao và thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở tất cả các cấp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố lòng tin chính trị; thúc đẩy hơn nữa quan hệ trên kênh đảng và các cơ quan lập pháp hai nước, trong đó khuyến khích đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các ưu tiên của mỗi bên.
- Hai bên tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến quan trọng về cải cách kinh tế dựa trên thị trường của Việt Nam; khẳng định cam kết chính trị cấp cao nhất về việc đẩy nhanh quá trình xem xét để tiến tới công nhận Quy chế kinh tế thị trường của việt Nam.
- Hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Đồng thời, đưa ra nhiều cam kết tăng cường hỗ trợ phát triển, bao gồm phát triển hạ tầng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
- Hai bên phối hợp trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng. Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng sạch của Việt Nam và cam kết hỗ trợ tài chính, công nghệ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu. Đồng thời, khẳng định sẽ tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh y tế như ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đại dịch, các nguy cơ dịch bệnh toàn cầu khác.
- Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước.
- Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước; dự định tăng cường họp tác giữa các bang của Hoa Kỳ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam theo hướng thực chất, hiệu quả.
- Đối với các vấn đề an ninh - quốc phòng, quyền con người, phía Hoa Kỳ nhất trí đề cập theo những nguyên tắc chung mà hai bên đã thống nhất hoặc theo nội dung của các Tuyên bố chung trước đây.
- Chia sẻ quan điểm đối với một số vấn đề khu vực và quốc tế phù hợp với quan điểm của Việt Nam, không ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các đối tác liên quan.
3. Ý nghĩa của chuyến thăm
3. 1. Ý nghĩa đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Thứ nhất, Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ việc Hoa Kỳ công nhận và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và của đồng chí Tổng Bí thư. Từng đảm nhận nhiều cương vị khác nhau trong chính quyền Hoa Kỳ, cá nhân Tổng thống Joe Biden luôn dành nhiều thiện chí, tình cảm và ủng hộ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thứ hai, việc ta đón Tổng thống Biden và xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Hoa Kỳ là sự kiện đối ngoại mang tính lịch sử, góp phần khẳng định rõ các nguyên tắc căn bản của quan hệ hai nước và hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công thúc đẩy trong nhiều thập kỷ, trong đó có chủ trương “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Thứ ba, tạo bước phát triển mới về hợp tác kinh tế, đột phá về khoa học công nghệ. Với cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng” bằng các hành động cụ thể, Hoa Kỳ bày tỏ sẵn sàng đáp ứng hơn nữa lợi ích cua Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hỗ trợ thực hiện các khâu đột phá chiến lược phục vụ phát triển của ta; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng mà ta có nhu cầu.
Chuyến thăm góp phần tạo đà mới, khuôn khổ rộng lớn hơn để khai thác tối đa tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của Hoa Kỳ, đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Cụ thể, chuyến thăm góp phần thúc đẩy hai bên triển khai hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư song phương để tạo thêm động lực cho tổng thể quan hệ song phương; duy trì cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi và tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp mỗi nước tại nước kia; thúc đẩy việc Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ tại khu vực và trên thế giới; hiện thực hóa triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà hai bên cùng có lợi ích như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, sản xuất chip bán dẫn.
Thứ tư, thông qua chuyến thăm, hai bên tiếp tục tăng cường hiệu quả phối hợp tại các cơ chế quan trọng như Liên hợp quốc, APEC, WTO, trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ và Đối tác Mê Công - Hoa Kỳ, IPEF, cũng như trong các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê Công, đảm bảo chuỗi cung ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Thứ năm, ta có điều kiện để hạn chế những mặt tiêu cực trong quan hệ hai nước cũng như với các đối tác khác; nâng cao hiệu quả đấu tranh với những âm mưu, hành động can thiệp nội bộ của ta; giảm thiểu những biện pháp hạn chế thương mại bất lợi cho ta.
3.2. Ý nghĩa tổng thể trong triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam
Với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, đến nay, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới 33 đối tác có quan hệ Đối tác toàn diện trở lên. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược với toàn bộ 5 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp). Thực tế này tạo những điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ các nguồn lực cho công cuộc phát triển, đồng thời phản ánh sự coi trọng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế đối với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế và đường lối đối ngoại của đất nước ta.
Việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Hoa Kỳ nằm trong tổng thể chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hoá, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, tiếp nối truyền thống, bản sắc ngoại giao Việt Nam; phù hợp với truyền thống hòa bình, hữu nghị, nhân văn của dân tộc ta, có ý nghĩa quan trọng như:
- Thứ nhất, góp phần khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” và của trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Cùng với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, ta tiếp tục nâng tầm, đưa quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác lớn, quan trọng đi vào chiều sâu. Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc được củng cố, tiếp tục đà phát triển ổn định, tích cực, tin cậy chính trị gia tăng, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, thông qua các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia tiếp tục được củng cố, có những bước phát triển tích cực trên tất cả các mặt. Quan hệ với các nước ASEAN tiếp tục được thúc đẩy toàn diện, thực chất với các tiếp xúc song phương cấp cao và các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Quan hệ với Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Australia tiếp tục được tăng cường về chất, trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự. Ta và Hàn Quốc đã xác lập quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Quan hệ với các nước châu Âu, nhất là các đối tác chủ chốt trong EU được thúc đẩy, các vấn đề tồn tại đang từng bước được tháo gỡ.
- Thứ hai, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, thúc đẩy quan hệ đối ngoại rộng mở của ta với các đối tác, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tố quốc, tận dụng các cơ hội mới về hợp tác phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao và trong ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trên cơ sở đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
- Thứ ba, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, gia tăng vai trò, vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các đối tác quan trọng. Việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thồ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” góp phần đỏng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới./.
Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Bộ môn LLCT