star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh cách mạng đức độ đa tài của vị tướng “Hai Mạnh”- Đại tướng Chu Huy Mân


Lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh cách mạng đức độ đa tài của vị tướng “Hai Mạnh”- Đại tướng Chu Huy Mân

Suốt cuộc đời ông đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét: “Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc[[1]].

Ðại tướng Chu Huy Mân, sinh ngày 17-3-1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; tham gia cách mạng năm 1929; vào Ðảng năm 1930; nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa III, IV, V, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa II, VI, VII; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Nhà nước ta và các nước bạn. Ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình, từ đó mới đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo. Vừa là một nhà chỉ huy quân sự táo bạo, tài ba, vừa là nhà chính trị tinh thông uyên bác, cũng chính vì hai lĩnh vực: chính trị và quân sự đều giỏi nên Ông luôn được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ và vinh danh là vị Tướng “Hai Mạnh”.

 

Ông tham gia cách mạng ngay từ những năm phong trào Xô Viết và được kết nạp Đảng. Dưới cờ đỏ búa liềm trang nghiêm và linh thiêng, Chu Văn Điều (tên giọi lúc đầu của Đại tướng) đã xúc động dơ nắm tay thề: “Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Nếu bị bắt, bị tra tấn cực hình, dụ dỗ, mua chuộc tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống, ra chết, quyết không sờn lòng”. Lời hứa thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ Đảng đêm đó đã theo Chu Huy Mân suốt cả cuộc đời. Trong giai đoạn này, ngoài việc bảo vệ cơ quan ấn loát và vận chuyển tài liệu, Chu Huy Mân còn chỉ huy đội tự vệ tham gia luyện tập quân sự, bảo vệ quần chúng trong các cuộc đấu tranh, trừng trị bọn phản cách mạng, vận động thanh niên lấy lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo để cứu đói, lấy ruộng đất công của làng xã đem chia cho những gia đình nghèo, mở các lớp học dạy chữ Quốc ngữ cho Nhân dân, tập văn nghệ, bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức đám cưới, đám tang theo đời sống mới.

Sau thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), thực dân Pháp đã trở mặt, ra lệnh truy lùng vây bắt các chiến sĩ Cộng sản. Tháng 5-1940, Chu Huy Mân, bị bắt giam tại Nhà lao Vinh, sau đó lần lượt bị đày giam ở các nhà tù: Ngục Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Đăk Tô. Trong các nhà tù đế quốc, kẻ thù đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn, tra tấn cực hình, rồi mua chuộc dụ dỗ, nhưng vẫn không làm Chu Huy Mân sờn lòng nản chí. Những ngày trong tù, Chu Huy Mân luôn giữ vững niềm tin, đoàn kết đấu tranh, tìm thời cơ để vượt ngục trở về với Đảng.

Tháng 3-1943, Mặt trận Việt Minh hoạt động mạnh, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Hà Thế Hạnh đã bí mật tổ chức vượt ngục thành công, theo đường 19 tìm về Nghệ An. Khi đến tỉnh Quảng Nam, đúng lúc Mặt trận Việt Minh tỉnh đang chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Ông cùng với các chiến sĩ vượt ngục ở lại để tham gia vào Ban Việt Minh của tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ“ Giúp bạn chính là giúp mình”, với tinh thần quốc tế cao cả, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia, giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, Tổng cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào.

Cuối năm 1963, chiến trường Khu 5 gặp nhiều khó khăn. Chu Huy Mân được Bác Hồ và TW Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Với cương vị Chính ủy Quân khu, Bí thư Khu ủy Liên khu 5, đồng chí đã góp công lớn vào các chiến thắng: Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường. Ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên vây ráp xã Kỳ Liên thuộc tỉnh Quảng Nam. Chu Huy Mân đã chỉ huy chuyển đánh ngụy sang đánh Mỹ, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, tìm cách tiêu diệt gọn đại đội Mỹ. Tháng 9-1965, sau chiến thắng Chu Lai, với biệt danh“Hai Mạnh”, Chu Huy Mân đã có một quyết định táo bạo: Không mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mà chuyển sang mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên, Chu Huy Mân lãnh đạo và chỉ huy tài tình, táo bạo: Chiến dịch Plâyme, quân đội ta đã tiêu diệt gọn 305 lính Mỹ, buộc quân Mỹ phải thừa nhận:“Một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”. 

Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và Nhân dân ở chiến trường, thời kỳ ở Quân khu 5, Chu Huy Mân đã nêu sáng kiến: Khi Bộ đội hành quân trên đường vào Nam, đến đóng quân ở đâu đều phải tổ chức trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản để có cái mà nuôi quân và giúp dân, giảm bớt khó khăn thiếu thốn về lương thực. Việc làm và tình cảm của đồng chí Chu Huy Mân luôn được Nhân dân các địa phương trân trọng, quý mến, anh em bộ đội noi gương và học tập.

Là người chỉ huy xuất sắc, thao lược trên chiến trường trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc; nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng của Đảng và Quân đội cả trong chiến tranh và hòa bình, Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, mà còn để lại những bài học quý về phong cách lãnh đạo sâu sát thực tế, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đặc biệt thể hiện trong những bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam trong những thời điểm đầy thách thức, gian khó.

Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân, có thể mấy đặc điểm nổi bật sau:

1 là: Bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam

2 là: Bản lĩnh dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, trên mọi cương vị lãnh đạo

         Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân là người toàn tâm toàn ý hiến dâng cho Đảng, cho cách mạng. Dấu chân của đồng chí đã in trên khắp mọi miền đất nước trong đấu tranh cách mạng giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.      

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913-17/3/2023) giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nghiên cứu về phong cách lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân càng có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, đặc biệt xây dựng bản lĩnh và đạo đức cách mạng đối với cán bộ tầm chiến lược của Đảng trong bối cảnh hiện nay, như chính Đại tướng đã chỉ rõ: “Người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư mới trồng được con người cộng sản chân chính[[2]].

 

 

 

 

Với tinh thần ấy, vào sáng ngày 16/3/2023, sinh viên Đại học Duy Tân đã đến tham dự cuộc triển lãm với chủ đề “Đại tướng Chu Huy Mân, nhà chính trị, Quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam” do Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu V và Bảo tàng Khu V tổ chức. Triển lãm giới thiệu hàng trăm hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu phản ánh về những công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trên chiến trường Khu V.

Triển lãm là hoạt động nhằm tri ân, tôn vinh những công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực học tập, công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây cũng là dịp sinh viên Đại học Duy Tân tìm hiểu, tri ân các thế hệ cách mạng đã chiến đấu vì độc lập tự do phát triển phồn vinh đất nước. Qua đó, giáo dục ý thức chính trị trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bổ trợ kiến thức liên môn, phục vụ đắc lực cho việc học tập các chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, lý luận chính trị… tại Đại học Duy Tân.

TS. Ngô Minh Hiệp

 

 

[[1]] Báo Nhân dân, ngày 7-7-2006.

[[2]] Đại tướng Chu Huy Mân, Nhà chính trị, quân sự tài ba tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr.41