star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024)


Trong không khí những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Người mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hàng năm, vào ngày 19 tháng 5 cùng với cả nước, lòng chúng ta lại bâng khuâng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Trong tim trào dâng một cảm xúc khó tả hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh  (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước - giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX khi bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại và đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Ngay từ thuở thiếu thời, Người đã chọn cho mình con đường suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Để thực hiện mục tiêu ấy, Người đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, tiếp cận với những học thuyết và thực tiễn để tìm kiếm tự do cho dân tộc Việt Nam, cùng với Đảng ta đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và sau đó tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ sống rất giản dị và khiêm tốn. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước (2/9/1945-2/9/1969), Bác có 2 lần sinh nhật đặc biệt.

Lần đầu tiên là ngày 19/5/1946, Bác Hồ 56 tuổi. Vào lúc đó, Bác đã là Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Và những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của Nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của Nhân dân còn khó khăn, gian khổ…

Lần cuối cùng là ngày 19/5/1969, lúc Bác 79 tuổi. Vào ngày này, Bác sửa “Di chúc” lần cuối cùng. Sức khỏe của Bác ngày một giảm sút, Bác đã yếu nhiều nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn, sáng suốt. Biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và một lòng thương nhớ đồng bào đang ngày đêm chiến đấu gian khổ hy sinh, Bác nhất định không cho làm sinh nhật. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Trung ương xin phép tổ chức sinh nhật cho Bác và cũng xin phép để sang năm, tức là năm 1970 sẽ chúc thọ Bác tròn tuổi 80. Bác không đồng ý, Người cảm động: “Bác cảm ơn các chú nhưng Bác đề nghị đừng tổ chức sinh nhật Bác nữa. Bác chẳng biết còn được bao lâu nữa đâu. Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác: - Xin Bác nghĩ lại. Ngoài Bác ra còn có Trung ương, có Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các vị đại sứ các nước đang mong chờ được chúc thọ Bác. Bác không cho làm thì biết tính sao?

Nể lòng mọi người, nhất là nghĩ tới miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác đành miễn cưỡng đồng ý. Bác nói với đồng chí Lê Duẩn: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Bác cẩn thận nói thêm: Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến. Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình…Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5, Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất.

Và kể từ năm 1946 đến nay, đất nước ta, nhân dân ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại – Ngày 19 tháng 5 – sinh nhật Bác Hồ.

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao đẹp nhất. Năm 1969, trong Điếu văn mà đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh có những câu: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng…”. Đây vừa là lời thề, vừa là sự thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong nỗ lực học tập và làm theo ý nguyện của Người.

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều chung một tình cảm: Bác Hồ vẫn đang sống cùng non sông, đất nước, vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong tất cả các thời kỳ lịch sử, trong bất cứ thắng lợi nào của đất nước và dân tộc./.

Th.s Hoàng Thị Kim Oanh – Giảng viên bộ môn LLCT