star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”


Xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu cơ bản mà Đảng ta luôn đề ra trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Hồ Chí Minh đã nói “mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Vì vậy, Người luôn trăn trở, chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh, thật sự của dân, do dân, vì dân, chính phủ là công bộc của dân, chính quyền “sao cho được lòng dân”. Tháng 6-1949, nhằm  răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính”,  gồm 4 bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này.  Hơn 70 năm trôi qua, những lời chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.

Người đã coi “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người. Giản dị mà khúc chiết, Người khẳng định:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người”

Theo đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ nội hàm của từng đức trong “tứ đức”, cụ thể như sau:

 “CẦN tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”.

“Người siêng năng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.

Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít.

Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích. Như thế chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt.

Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần. Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chǎm chỉ, cả nǎm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.

Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc.

KIỆM “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Cán bộ, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, không chỉ tiết kiệm trong sử dụng của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời giờ. Bác nói: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”, “Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên “nay lần mai lữa”…

Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, và càng không xa xỉ. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”. Đặc biệt, muốn tiết kiệm tốt thì phải khéo tổ chức, vì “không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ”. Từ đó, “một mặt, chúng ta thi đua kiệm. Một mặt, chúng ta thi đua cần” thì cộng lại là “nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công”…

“Cần” với “Kiệm” phải đi đôi với nhau. Nếu cần mà không kiệm thì “làm chừng nào, xào chừng ấy”. Nếu kiệm mà không cần thì “không tăng thêm, không phát triển được”. Kết hợp cần với kiệm làm cho “bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”.

LIÊM là tôn trọng của công và của dân. “Phải trong sạch, không tham lam”. Không tham tiền tài, không tham địa vị, không tham sung sướng, không ham người tân bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng nêu ra những biểu hiện trái với chữ liêm:

- Cậy quyền thế mà đục khoét của dân, trộm của công làm của tư.

- Dìm người giỏi, để bảo vệ địa vị, danh tiếng của mình là đạo vị.

- Thấy việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không làm là tham vật uý lạo.

- Thấy giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sanh uý tử.

Hồ Chí Minh cho rằng, muốn thực hiện tốt chữ Liêm phải gắn với Cần và Kiệm. “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc vǎn minh tiến bộ”.

CHÍNH là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Chính được thể hiện rõ trong ba mối quan hệ:

- Đối với mình: “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. 

- Đối với người: “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”.

- Đối với việc: Phải để việc công lên trên, lên trước việc tư. Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.

CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

“Cần, kiệm, liêm, chính” là tác phẩm rất có giá trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phong trào thi đua yêu nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong thực hiện cuộc vận động "Học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Ðảng ta phát động. Thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Với ý nghĩa đó, việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” những năm qua đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên./.

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ Bộ môn LLCT