star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Giới thiệu về Chủ nghĩa hiện sinh


Chủ nghĩa hiện sinh khởi phát là một phong trào hiện sinh ở châu Âu thế kỷ 19, Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche thường được coi là cha đẻ của phong trào, tác giả người Nga Fyodor Dostoyevsky cũng được coi là một trong những người khởi xướng. Đến đầu đến giữa thế kỷ 20, và đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa hiện sinh mới thực sự nổi bật. Đây là thời điểm chứng kiến ​​những nhà hiện sinh có ảnh hưởng như Franz Kafka, Martin Heidegger, Albert Camus, Maurice Merleau-Ponty, và có lẽ nổi tiếng nhất là triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre.

Vậy chủ nghĩa hiện sinh quan tâm giải quyết các vấn đề gì?

Các nhà hiện sinh có mối bận tậm chung về đời sống của con người ví dụ như : Tại sao tôi lại ở đây? Làm người nghĩa là gì? Tôi nên tiếp tục cuộc sống của mình như thế nào?...  Mặc dù các họ trả lời các câu hỏi không giống nhau nhưng điểm chung giữa những người theo chủ nghĩa hiện sinh là xu hướng bác bỏ kịch liệt các hệ thống hoặc lý thuyết  cố gắng trả lời các câu hỏi liên quan đến ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người một cách toàn diện hoặc tuyệt đối. Chủ nghĩa hiện sinh vì thế đa dạng về chủ đề, đa dạng về lập trường (hiện sinh hữu thần và hiện sinh vô thần).

Chủ đề chính của chủ nghĩa hiện sinh là gì?

Thứ nhất, Triết học hiện sinh lấy tồn tại người làm trung tâm, triết học hiện sinh khẳng định tồn tại người phải là sự kiện trước hết và trên hết, tồn tại người không có bản chất nào trước sự tồn tại của mình hay “tồn tại có trước bản chất”(Sartre). Hiện sinh đích thực là hiện hữu luôn tra vấn sự hiện hữu của chính mình. Khi Heidergger chọn thuật ngữ Dasein (Tôi tồn tại ở đây, tồn tại trong thế giới) thay cho từ con người, ông muốn tránh những nghĩa cũ có liên quan đến con người và buộc chúng ta nhìn bản thân mình bằng cái nhìn mới.

Thứ hai, tự do là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại người. Tự do trở thành điều kiện tiên quyết cho tồn tại người, “hoặc là tự do hoặc không là gì cả”.

Thứ ba, triết học hiện sinh quan tâm tới “lo âu”. Con người là một thực thể đầy ưu tư, đầy lo âu trong chính thân phận của mình. Heidegger coi ưu tư cũng là một cấu thành nên nền tảng của tồn tại người. Mọi tình cảm, tư duy, hành động của con người đều liên quan trực tiếp đến nền tảng này. Ưu tư không phải là một hiện tượng hay đồng nhất với trạng thái tâm lý mà ưu tư là vấn đề bản thể luận.

Thứ tư, cái chết là cội nguồn của hư vô và lo âu. Chính cái chết như một cơ cấu của tồn tại đã buộc con người đối mặt với hư vô và hàm chứa hư vô trong tâm khảm, do đó, thân phận con người là sự lo âu thường trực. Như vậy tồn tại người trở nên sáng tỏ là nhờ có nỗi lo âu, nhờ có quan hệ với cái hư vô. Chạy trốn lo âu, không dám đối mặt với tính hữu hạn của mình, con người hiện đại có khuynh hướng hoà lẫn vào das Man, họ không muốn mang vác trách nhiệm tồn tại đích thực, không dám đối mặt với hư vô.

Kết luận

Thông qua các hình thức tiểu thuyết, truyện, kịch, thi ca, nhật ký, tiểu luận triết lý sống tự nhiên, tự tại, tự do của chủ nghĩa hiện sinh lan nhanh và ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ phương Tây, tạo nên những phong trào rộng rãi trong cuộc sống phương Tây vào những năm 60 - 70 thế kỷ XX như “Hippy”, “Anti-State”, “Anti-Modern”, “Sexual Liberation”. Các phong trào này đã tạo nên một cuộc sống sôi động trong giới trẻ, góp phần khẳng định tiến bộ xã hội trong vấn đề bảo vệ nhân quyền, đề cao các quyền tự do, nhất là tự do ngôn luận. Xét ở góc độ nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh đem lại “làn gió mới” cho tồn tại người, đưa con người đến gần hơn với đời sống hiện thực. Ở nước ta, sau công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, với phương châm “cởi trói cho văn học nghệ thuật”, chủ nghĩa hiện sinh có cơ hội thể hiện trên diễn đàn văn học, góp thêm tiếng nói đa dạng cho việc đổi mới của văn học nước nhà./.

Ths. Đoàn Thị Cẩm Vân, Tổ Lý luận Chính trị, Đại học Duy Tân