star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Giáo trình thể chế chính trị


Chính trị là loại hoạt động đặc biệt quan trọng của đời sống, quan hệ đến lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội. Thể chế chính trị là một bộ phận cấu thành của chính trị. Trong một chế độ xã hội, thể chế chính trị tác động trực tiếp đến đời sống của mọi người dân. Dù ít, dù nhiều mọi người trong mỗi quốc gia đều chịu sự chi phối của thể chế chính trị. Thể chế chính trị là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng có vai trò to lớn đối với sự tiến bộ của xã hội.

Cùng với chủ trương đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam, đã có rất nhiều công trình khoa học liên quan đến được công bố. Trong đó vấn đề thể chế chính trị thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học. Tuy nhiên khái niệm thể chế chính trị vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất. Chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách toàn diện về thể chế chính trị. Sự đề cập thể chế chính trị mang tính rời rạc: chỉ nói đến một hoặc một vài khía cạnh nào đó của thể chế chính trị. Các công trình nghiên cứu liên quan đến thể chế chính trị thường thiêng về các thể chế chính trị tổ chức mà chưa dành một sự quan tâm đúng mức cho các thể chế chính trị về hành vi.

  Trong bối cảnh như vậy việc tác giả Nguyễn Đăng Dung và Bùi Ngọc Sơn đã cho ra đời ấn phẩm “Thể chế chính trị” với tư cách là một chuyên khảo nghiên cứu một cách toàn diện về thể chế chính trị nhằm mục tiêu hướng tới việc tiếp cận thể chế chính trị theo cách phân biệt thể chế chính trị tổ chức và thể chế chính trị hành vi là một điều cần thiết.

Về nội dung giáo trình, tác giả chia làm 2 phần cụ thể: Phần 1: Những vấn đề chung gồm chương 1, chương 2, tập trung vào các vấn đề khái niệm, vị trí, vai trò của thể chế chính trị trong đời sống của mỗi quốc gia đồng thời đề cập đến hiến pháp và sự cần thiết phải quy định các thể chế chính trị trong đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia. Phần 2: Các thể chế chính trị cơ bản gồm chương 3, chương 4, trong đó tác giả trình bày về đặc điểm, sự khác nhau của 2 loại thể chế chính trị là hành vi và tổ chức.

Giáo trình hướng tới một số cách nhìn thống nhất và toàn diện về thể chế chính trị nó sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo dựng một cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay. Đây là một tài liệu vô cùng bổ ích cho những nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách, sinh viên các khối khoa học xã hội và những ai quan tâm.

Trần Thị Diễm Trâm