star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đường lối đối ngoại và vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế


 

          Về đường lối đối ngoại của Việt Nam

          Từ một nước chưa có tên trên bản đồ thế giới (trước 02/9/1945), bị chia cắt (1954 - 1975), bị bao vây, cấm vận (thập niên 80 của thế kỷ XX), với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Việt Nam đã hình thành và phát triển mạng lưới quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; trong đó có 17 Đối tác chiến lực (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là Đối tác chiến lược toàn diện), 13 Đối tác toàn diện. Như vậy, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thành viên Thường trực HĐBA LHQ; toàn bộ G7; 17/20 nước và tổ chức trong G20 và tất cả các nước trong ASEAN. Các khuôn khổ này đã tạo điều kiện để đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

          Về hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay với khoảng 200% GDP. Hội nhập kinh tế quốc tế góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa Việt Nam lên vị trí cao chưa từng có trên trường quốc tế, với quan hệ đối ngoại phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta, có quan hệ hợp tác với 500 tổ chức quốc tế; có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam.

          Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Thông qua hội nhập chính trị, hợp tác song phương của ta với các nước ngày càng được tăng cường. Đồng thời, Việt Nam đã phát huy vai trò có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, đặc biệt trong vai trò là Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đã hợp tác trong đào tạo, huấn luyện, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hợp tác kỹ thuật, trang bị quân sự, an ninh biển, trao đổi thông tin, hợp tác phòng chống tội phạm, ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống, phối hợp trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc...

          Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong hoạt động đối ngoại đa phương, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, thể hiện phương châm "là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

          Công tác bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài luôn được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần khẳng định vị thế, uy tín quốc gia và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những lợi ích thiết thực của công dân Việt Nam.

          Đổi mới hình thức và nội dung công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, nâng cao hiệu quả, hiệu ứng quảng bá, tuyên truyền về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.

          Các kênh đối ngoại phối hợp nhuần nhuyễn, tạo sức mạnh tổng hợp đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Vị thế và uy tín của Việt Nam

          Từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; ký kết gần 100 Hiệp định thương mại song phương, trên 60 Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, khoảng 70 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới, các tổ chức hợp tác kinh tế - xã hội trong khuôn khổ LHQ và nhiều tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực như ASEAN, APEC, Tiểu vùng Mê-công mở rộng.

          Ngoài các nước là ĐTCL/ĐTTD như ở trên, hiện nay, nhiều nước cũng muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược, như Mông Cổ, Bun-ga-ri, Ba-lan, Pa-kit-tan... Trong các diễn đàn đa phương, Việt Nam ngày càng tạo dựng vị thế và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế. Đáng tự hào khi Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu cao kỷ lục 192/193 - đây là điều chưa từng có trong 74 năm lịch sử từ khi thành lập của Liên Hợp quốc.

          Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hình ảnh từ "một cuộc chiến tranh" sang hình ảnh của "một đất nước". Thế giới ngày càng biết đến Việt Nam như một quốc gia có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người dân Việt Nam mến khách, cần cù, sáng tạo. Xuất phát từ cơ sở sức mạnh cứng, sức mạnh mềm, hình ảnh và bản sắc, nhiều nhà nghiên cứu gần đây gọi Việt Nam là "nền kinh tế mới nổi", "con rồng của châu Á" và là "cường quốc tầm trung mới nổi".

          Về sức mạnh kinh tế, tính chung sau 35 năm đổi mới, GDP Việt Nam tăng gấp 42 lần, GDP bình quân đầu người tăng gấp 28 lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt gần 7%, trong đó có 20 năm liên tiếp GDP tăng bình quân 7,34%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 266,5 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Về triển vọng lâu dài, Tập đoàn Pricewaterhouse Coopers dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổ chức Lương thực quốc tế (FAO) vinh danh Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo.

          Về sức mạnh quân sự. Theo đánh giá của nước ngoài, Quân đội Việt Nam đang từng bước được hiện đại hóa, trong đó một số quân, binh chủng như hải quân, không quân và thông tin liên lạc đang tiến thẳng lên hiện đại. Năm 2020, Global Five Power đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí thứ 23 trên thế giới với chỉ số 0.3988 (vị trí số 1 là Mỹ với chỉ số 0.0615, tiếp theo là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Italia, Ai Cập, Bra-xin, Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a, I-xra-en, Bắc Triều Tiên, Ô-xtray-li-a, Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Đài Loan). Năng lực quân sự của Việt Nam được đánh giá cao hơn Ba Lan, Ả-rập-xê-út, Thái Lan, U-crai-na, Thụy Điển, Nam Phi, Mê-hi-cô, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a, Singapo, Philipin. Như vậy, trong ASEAN, năng lực quân sự của Việt Nam được đánh giá đứng sau In-đô-nê-xi-a. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự không chỉ thể hiện qua các con số mà cần được đánh giá trên các khía cạnh khác như kinh nghiệm thực chiến, tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước, học thuyết chiến tranh, tư duy chiến lược... Ngoài ra, chính sách quốc phòng "cân bằng", "độc lập" càng làm tăng giá trị chiến lược của Việt Nam. Nếu cộng thêm các yếu tố này, có thể thấy Việt Nam thuộc nhóm nước có quân đội mạnh hàng đầu tại khu vực.

          Về đối ngoại. Viện Lowy đánh giá sức mạnh mềm về năng lực ngoại giao của Việt Nam xếp hạng 12 trong số 25 nước khảo sát tại châu Á năm 2020. Với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và khả năng xử lý các vấn đề ngoại giao phức tạp... ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của đất nước. Trong 2 năm 2020, 2021 "ngoại giao Covid-19" của Việt Nam đã nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế và tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Qua đó, Việt Nam đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế cũng như tăng cường sự tin cậy và quan hệ hữu nghị với các đối tác. Với các nỗ lực, tích cực và trách nhiệm, lần đầu tiên Việt Nam được đề cập tích cực trên truyền thông quốc tế với tần suất cao nhất so với nhiều năm trở lại đây, qua đó quảng bá thành công hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong khống chế, kiểm soát dịch Covid-19, thể hiện tinh thần tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác quốc tế chống dịch cũng như thành công của Việt Nam trong các trọng trách quốc tế. Điều này góp phần không nhỏ giúp nâng cao uy tín, vị thế của đất nước./.

  Th.s Nguyễn thị Hải Lên – Giảng viên tổ LLCT