star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Cộng đồng ASEAN: từ ý tưởng đến hiện thực


LỜI GIỚI THIỆU

Sau những thể nghiệm đầu tiên về việc thành lập một tổ chức khu vực với sự tham gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á từ những năm 60 của thế kỷ XX, cuối cùng một tổ chức chính thức đã ra đời vào ngày 08/8/1967, mang tên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự tồn tại và phát triển của ASEAN là minh chứng cho tình đoàn kết chặt chẽ của các nước Đông Nam Á. Từ khi thành lập với ASEAN-6, từng bước kết nặp thêm các thành viên mới để trở thành ASEAN-10, và đến năm 2015, Cộng đồng ASEAN (AC) đã được xây dựng, củng cố trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh – Chính trị (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC).


Sau hơn 53 năm xây dựng và trưởng thành, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trước hết, ASEAN đã tạo cho mình một vị thế mới, với vai trò là trung tâm trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ như EAS, ARF, ASEAN+1, ASEAN+3, RCEP, ADMM+ nhìn chung đều được các cường quốc và đối tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đón nhận. Ở cấp độ quốc gia, một số thành viên của ASEAN, như đã phân tích đã và đang tận dụng tốt sự cạnh tranh chiến lược, vị thế địa chính trị và các lợi thế riêng khác của mình để đóng vai trò lớn hơn trong xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN đã gặt hái được những thành công ấn tượng về kinh tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN là một thị trường lớn, với dân số trên 600 triệu người, diện tích trên 4,4 triệu km2, tổng GDP, trao đổi thương mại và thu hút đầu tư quốc tế năm 2018 lần lượt lên tới 2,98 ngàn tỷ USD, 2,82 nghìn tỷ USD và 152.7 tỷ USD. Hơn nữa, tiến trình hội nhập của ASEAN đánh dấu một cột mốc, giai đoạn quan trọng mới với việc tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mở ra một trang mới trong tiến trình liên kết kinh tế gắn chặt hơn. Về văn hóa – xã hội, ASEAN cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân: thu hút sự tham gia của các nhóm, giới và các tiến trình của ASEAN; tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được rất đáng khâm phục, ASEAN hiện nay vẫn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Khu vực Đông Nam Á được xác định là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là điểm mấu chốt của sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, Đông Nam Á trở thành “đấu trường” can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau. Vì thế, các nước ASEAN không tránh khỏi việc trở thành đối tượng lôi kéo giữa một bên là Hoa Kỳ và đồng minh và một bên là Trung Quốc. Ngoài ra, xuất phát từ lợi ích chiến lược, nội bộ ASEAN cũng có những vấn đề gây cản trở cho sự thống nhất cần có của một Cộng đồng, chưa thật sự đoàn kết và đôi khi là những bất đồng giữa các nước thành viên về các nội dung liên quan. Điều này khiến cho sức mạnh chung của khu vực bị ảnh hưởng, có phần giảm sút khi đối diện với các vấn đề quốc tế cần tiếng nói của tập thể.
Vói tầm quan trọng về về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, địa văn hóa, ASEAN đã, đang và sẽ là nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á cũng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời là nhân tố trung tâm của nhiều định chế hợp tác trong khu vực.
Nhận diện được tầm quan trọng đó, tác giả Trần Xuân Hiệp đã có những cố gắng miệt mài để cho ra đời cuốn sách chuyên khảo “Cộng đồng ASEAN: từ ý tưởng đến hiện thực”. Nội dung cuốn sách được chia làm 3 chương:
Chương 1. Các nhân tố tác động đến sự phát triển của ASEAN khi bước vào thế kỷ XXI. Chương này tập trung phân tích những nhân tố chủ yếu có tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới, trong đó có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, những nhân tố quốc tế và khu vực, cũng như đánh giá một số thành tựu và hạn chế của ASEAN trước khi bước vào thế kỷ XXI.
Chương 2. Xây dựng Cộng đồng ASEAN: Mục tiêu, giải pháp và quá trình triển khai. Ở chương này, tác giả đi sâu trình bày những nội dung liên quan đến tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó đi sâu vào từng trụ cột là APSC, AEC, ASCC. Ở mỗi trụ cột, những vấn đề cụ thể được xem xét phân tích như mục tiêu, giải pháp và quá trình thực hiện.
Chương 3. Tầm nhìn ASEAN 2025 và triển vọng của ASEAN trong những thập niên tới. Trong chương này tập trung phân tích những thành tựu và hạn chế chủ yếu của ASEAN sau hơn 53 năm phát triển. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra triển vọng về Tầm nhìn ASEAN 2025 và tương lai AC trong những năm tiếp theo.
Viết về Đông Nam Á, trước đó đã có rất nhiều công trình của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Đây là một vấn đề rất rộng, có tính bao quát rất lớn với nhiều nội dung, sự kiện diễn ra liên tục, thường xuyên kéo dài hơn 53 năm qua của ASEAN. Do đó, không dễ dàng để nắm bắt được toàn bộ các nội dung để triển khai đầy đủ các vấn đề mà ASEAN đã đề ra, thực thi và kết quả của chúng. Từ đó cho thấy việc tác giả tiến hành biên soạn công trình này là một điều đáng được trân trọng, với mong muốn bổ khuyết những vấn đề liên quan đến ASEAN, góp thêm mong muốn đưa lại sự hiểu biết về Cộng đồng ASEAN trong thế kỷ XXI, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Cuốn sách ra đời trong thời điểm ASEAN hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1967 - 2022) sẽ tạo thêm nhiều động lực cho chúng ta cùng chung tay xây dựng hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN. Dù biết rằng tác giả đã hết sức cố gắng, nhưng để nghiên cứu về ASEAN là công việc không hề dễ dàng, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, bất cập. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ góp phần cung cấp thông tin và kiến thức cho bạn đọc về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
 Hà Nội, Mùa Thu 2020
 PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á