star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chữ “Dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh


Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, điều quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Yêu nước, thương dân, đấu tranh không mệt mỏi vì hạnh phúc của Nhân dân là lẽ sống của Người. Năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người cũng đã xác định rõ ràng mục tiêu đấu tranh của cách mạng là “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập... Thủ tiêu hết các thứ quốc trái... Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”.

Con đường mà Người dẫn dắt dân tộc Việt Nam là con đường giải phóng dân tộc thông qua cách mạng vô sản để giành độc lập và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Chỉ có con đường ấy mới giúp dân thoát khỏi áp bức bóc lột, đói nghèo, lạc hậu, trở thành người chủ thực sự của đất nước. Người không chỉ vạch ra con đường mà đã đem cả cuộc đời mình xây đắp con đường ấy. Tư tưởng vì dân của Người luôn thể hiện sự thống nhất trong lời nói và việc làm. Mọi suy nghĩ và hành động của Người đều hướng về quần chúng, tất cả đều vì lợi ích của Nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà được độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định độc lập phải gắn với tự do, Người nói: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Trong hoàn cảnh nhân dân đói rét, mù chữ..., Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn

2. Làm cho dân có mặc

3. Làm cho dân có chỗ ở

4. Làm cho dân có học hành”.

Trong nhiều bài nói, bài viết và thực hành trong thực tiễn cách mạng theo chân lý “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Người nhiều lần khẳng định tư tưởng lấy dân làm gốc, “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”; có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được.

Vai trò, sức mạnh của nhân dân càng được phát huy, nhân lên gấp bội khi được tập hợp lực lượng hùng hậu, kết thành một khối thống nhất. Theo Người, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Có thể thấy, Người đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, sánh cùng trời, đất và xác định rõ không có gì quý bằng nhân dân, không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân và cũng không có gì chống được dân chúng - “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”. Từ việc tổng kết thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến khẳng định một nguyên lý sâu sắc: Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết, “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”.

Thương dân, Người thấu hiểu nỗi khổ cực, nhọc nhằn của dân, Người luôn nhắc nhở cán bộ phải hết sức tiết kiệm để lo cho dân, vừa lo tiết kiệm sức dân để tập hợp dân chúng, làm cách mạng thành công, để dân mau chóng được ấm no, hạnh phúc. “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, tất cả là vì dân tộc, vì nhân dân, không có một chút gì của riêng Người. Người chính là hiện thân trọn vẹn nhất, mẫu mực nhất hình ảnh của một người cách mạng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Suốt đời “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Khi thực hiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sự gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân và phụng sự nhân dân là một nội dung xuyên suốt: “Đảng mạnh tức là dân mạnh, dân mạnh thì Đảng mạnh; dân, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi”. Mối quan hệ gắn bó giữa dân với Đảng cũng như sự phụng sự nhân dân trong tư tưởng của Bác cho thấy sứ mệnh phục vụ nhân dân của người cán bộ, đảng viên với công cuộc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của dân tộc.

 

Với tư tưởng xuyên suốt “Dân làm gốc”, phương châm “Lấy dân làm gốc” tức là phải biết dựa vào dân, vì nhân dân phụng sự, đề cao quyền làm chủ của dân mà người cán bộ cách mạng phải hết lòng phụng sự nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hồ Chủ tịch đã từng dạy: “Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông”. Trong đó, Người còn chỉ rõ: “Dân đủ ăn, đủ mặc thì chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy cũng không thực hiện được”. Đời sống của dân chính là thước đo giá trị và xác thực nhất về đạo đức cũng như tài năng và phẩm giá của người cán bộ cách mạng. Với lập luận như vậy, Bác cho rằng: “tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”.

Người từng dạy cán bộ, đảng viên: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"; phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân...; phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Người chỉ rõ bằng hình ảnh ví von rất cụ thể, gần gũi và sinh động: “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của chúng ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Do vậy, chính Người kết luận rằng: “dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta” do vậy “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”.

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh với triết lý vì dân và phụng sự nhân dân, mọi quyền lợi cũng đều vì nhân dân, hành động đều xoay quanh chữ “dân” và lợi ích của dân là sợi chỉ đỏ trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Sức thuyết phục của tư tưởng không chỉ xuất phát từ tính khoa học, cách mạng, nhân văn được thể hiện trong từng luận điểm mà còn được đảm bảo bằng cuộc đời trọn vẹn vì nước, vì dân của Người./.

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Bộ môn LLCT