star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chính sách Biển Đông của Mỹ Dưới thời Tổng thống Joe Biden


 

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; là nơi tập trung các mâu thuẫn kinh tế, chính trị, an ninh; diễn ra tranh chấp quyết liệt, phức tạp liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia, trong đócác nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Ôxtrâylia... Nhằm đạt mục tiêu toàn cầu, các chính quyền Mỹ rất quan tâm xây dựng chính sách Biển Đông và liên tục có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn qua các đời tổng thống. Tiếp tục kế thừa các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của chính quyền Biden có nhiều điểm mới, trực tiếp tác động tới khu vực và Việt Nam.

I. TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG THỜI GIAN GẦN ĐÂY

1.  Trung Quốc (TQ) đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý, đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo dư luận và gia tăng các hoạt động trên thực địa

- Gửi công hàm lên Liên Hợp quốc (LHQ) phản đối tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực. Đẩy mạnh việc tuyên truyền và hiện thực hóa yêu sách “Tứ Sa” nhằm giải thích về chủ quyền trên Biển Đông một cách phi pháp, phản khoa học.

- Công bố thành lập đơn vị hành chính gồm 02 quận Tây Sa”, “Nam Sa” (18/4/2020); đặt tên cho 25  đảo, đá, bãi cạn cũng như 55 thực thể ở Biển Đông (19/4/2020). Ngày 22/01/2021, thông qua Sách trắng quốc phòng”, Luật hàng hải và Luật hải cảnh”  (có hiệu lực từ 01/02/2021) quy định 09 trường hợp cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán, yêu sách TQ.

- Trên thực địa, TQ tiến hành hoạt động khảo sát nghiên cứu thăm dò tại các vùng biển TQ cho là có “chủ quyền”. Thường xuyên tổ chức trực, tuần tra, chấp pháp nhằm gia tăng sự “hiện diện thực tế”, nhất là ở các khu vực có tranh chấp, tập trung ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Tăng hoạt động huấn luyện, kiểm soát quân sự.

2. Nhiều nước gửi công hàm ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý

Năm 2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ra phán quyết Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên, vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định, trong các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn.

Hiện nay đã  có hơn 10 nước gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc. Trong đó có các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản, Anh... Đáng chú ý có cả đại diện 4 châu lục và 3 ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an LHQ, 4 thành viên G7, 2 thành viên EU. 

Nhiều đại diện của Liên minh Châu Âu (EU) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông.

3. Các nước ASEAN thể hiện quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông

Các nước đã có những điều chỉnh về chính sách tổng thể trên một số điểm sau: Chú trọng việc cân bằng quan hệ với các nước lớn để tận dụng phát triển kinh tế; duy trì vị thế ASEAN thông qua các tuyên bố chung, ủng hộ giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế (UNCLOS).

4. Xu hướng quốc tế hoá Biển Đông ngày càng chiếm ưu thế với sự tham gia chủ động của nhiều nước ngoài khu vực: Nhiều nước đã coi trọng vấn đề an ninh hàng hải và hàng không khu vực biển Đông đối với lợi ích quốc gia; đồng thời tích cực tham gia các cơ chế hợp tác và hiệp ước, tham gia tập trận quân sự như: Anh, Pháp, Đức, hoạt động của nhóm Hiệp ước phòng thủ  Ngũ cường (FPDA) gồm Xingapo,  Malayxia, New Zealand và Anh (tập trận từ 05-18/10/2021), nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Ôxtrâylia, Ấn Độ và Hiệp ước AUKUS gồm Mỹ, Anh, Ôxtrâylia.

II. CHÍNH SÁCH BIỂN ĐÔNG CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN

1. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN

-  Những năm gần đây, vị thế chiến lược cũng như sức mạnh của ASEAN không ngừng tăng lên. Vì vậy, ASEAN có một vị trí ngày càng quan trọng hơn trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á. Mỹ xác định cụ thể ba nhóm quốc gia chính ở khu vực “cần thiết phải tiếp tục nuôi dưỡng các quan hệ về quốc phòng” như sau: 1. Đồng minh chính thức (Thái Lan, Phi-líp-pin); 2. Đối tác chiến lược (Xingapo); 3. Đối tác chiến lược tiềm năng (Malaixia, Inđônêxia, Việt Nam).

- Về thương mại và đầu tư:  Mỹ tăng cường thúc đẩy đối tác kinh tế và đối tác phát triển quan trọng của ASEAN. Năm 2019, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 292 tỉ USD, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, đồng thời là nhà đầu tư FDI lớn nhất, với tổng vốn hơn 330 tỷ USD. Năm 2020, thương mại song phương giữa Mỹ và ASEAN đạt 307,69 tỷ USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ 2019. Mỹ tài trợ 5 triệu USD thành lập Học viện Sáng kiến các Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Đại học Ful-bright Việt Nam. Mỹ đã đặt văn phòng khu vực của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Hà Nội. ASEAN khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hơn 4.200 nhà đầu tư và kinh doanh Mỹ, trong đó có 350 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ tại khu vực. ASEAN khuyến khích doanh nghiệp Mỹ ưu tiên một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng, năng lượng sạch, công nghệ cao, kinh tế số…

Mỹ dành 3,5 tỉ USD nâng cao năng lực y tế công cộng của các nước ASEAN trong 20 năm qua; Mỹ tích cực ủng hộ Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế mà ASEAN. Hoa Kỳ hỗ trợ các hoạt động trong khuôn khổ “Sáng kiến Kết nối ASEAN-Hoa Kỳ” và chương trình “Tăng trưởng trong ASEAN thông qua sáng tạo, thương mại và thương mại điện tử”.

- Về chính trị và an ninh: Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm Singapore và Việt Nam, Phi-líp-pin nhằm tăng cường hợp tác về Biển Đông trên lĩnh vực quân sự. Chuyến thăm đồng thời diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và giữa làn sóng Covid-19 trên toàn cầu. Trên thực tế, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC) 2002.

2.  Thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác an ninh với các nước lớn (nhóm Bộ tứ và Hiệp ước AUKUS)

- Nhóm Bộ Tứ (QUAD) là Đối thoại Tứ giác An ninh, là một cơ chế an ninh quan trọng nhất đang nổi lên tại châu Á. Đối thoại giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ôxtrâylia thảo luận về biện pháp để Mỹ ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 là cuộc họp đầu tiên của Bộ tứ có sự tham dự cấp cao nhất, lần đầu tiên Bộ tứ ra Tuyên bố chung đề cập trực tiếp vấn đề Biển Đông, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), an ninh biển… Hội nghị này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình thể chế hóa từng bước của Bộ tứ. Cùng với tiến trình thể chế hóa, các thành viên của Bộ tứ thể hiện rõ hơn lập trường pháp lý tại Biển Đông.

Các nước thành viên Bộ tứ tăng cường hợp tác nâng cao năng lực biển cho các nước khu vực. Hợp tác nâng cao năng lực là lĩnh vực mà các thành viên Bộ tứ đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì, nhất là với Việt Nam, Phi-líp-pin và Indonesia.

Ngoài ra, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Anh đang thúc đẩy quán trình hợp tác với Bộ tứ để hình thành bộ tứ mở rộng.  Quá trình này tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc: Tham gia các hội nghị khu vực; Tăng cường đối thoại 3 bên với các thành viên Bộ tứ (Pháp-Ấn-Ôxtrâylia, Ấn-Pháp-Nhật); Tập trận, điều tàu tuần tra tại Biển Đông; Cùng Anh, Đức (nhóm E3) ra Tuyên bố chung phản đối yêu sách hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 8/2019 và tháng 9/2020; và Tập trận song phương, đa phương với các thành viên Bộ tứ.

- Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) là Hiệp ước giữa Mỹ và Anh và Ôxtrâylia đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) chuyển giao công nghệ động cơ hạt nhân nhạy cảm cho Ôxtrâylia, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đào tạo nhằm đảm bảo sự cân bằng quyền lực thuận lợi để tăng cường khả năng răn đe quân sự. nhằm mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Trị giá AUKUS khoảng 65 tỷ USD.

Bằng cách tham gia cùng với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là thành viên câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân, Ôxtrâylia sẽ có được tiềm lực trên biển mà tàu ngầm thông thường không thể mang lại. Ngoài việc có thể bảo vệ lãnh thổ Austrlia tốt hơn, đồng thời đóng góp vào liên minh các quốc gia có cùng chí hướng, đảm bảo an ninh trọng điểm trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặc dù hiệp ước AUKUS đột ngột xuất hiện, nhưng tham vọng của Ôxtrâylia để có được một hạm đội tàu ngầm mạnh hơn đã ẩn giấu từ lâu.

Hiệp ước Ôxtrâylia - Anh - Mỹ (AUKUS) hình thành trên cơ sở: Một là, sự cấp thiết bảo đảm hoà bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai là, cam kết và lợi ích chung  về việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bảo vệ các giá trị cùng chia sẻ , thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Ba là, quan hệ đồng minh lâu đời và liên kết quốc phòng sâu sắc giữa ba nước trong hàng thập kỷ qua. Bốn là, truyền thống chung với tư cách là các nền dân chủ biển.

AUKUS khẳng định 3 vấn đề, (1) Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược số một của Mỹ, vượt qua cả khu vực Trung Đông. (2) Việc ra đời một liên minh quân sự chính thức, đa phương đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 gây tác động đa chiều, định hình cục diện mới tại khu vực theo ý đồ của Mỹ. (3) Thực chất đây là phương thức tập hợp lực lượng mới của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mục đích hướng tới khẳng định vai trò bá chủ của Mỹ tại khu vực (như người xưa có câu nói: “muốn đi xa, phải có bạn”).

Các chuyên gia nhận định ASEAN, QUAD và AUKUS là ba trụ cột gánh vác an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. ASEAN đóng vai trò xây dựng chuẩn mực. QUAD tháo gỡ vấn đề, còn AUKUS ngăn chặn xung đột quân sự. Đây chính là cấu trúc an ninh mới của châu Á có thể góp phần thúc đẩy mục tiêu chung là một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tự do hàng hải và độc lập.

3. Gia tăng các hoạt động trên thực địa

- Hoạt động trinh sát, tuần tra, so với cùng kỳ năm 2020 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, các hoạt động của Mỹ quanh vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách chủ quyền đã tăng hơn 20% đối với tàu chiến và 40% đối với máy bay. Đặc biệt, máy bay trinh sát RC-135U của Không quân Mỹ đã tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở biển Hoa Đông hôm 3/6/2021.

-  Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông: Xét về số lượng, dựa trên các thông tin công khai, Mỹ đã thực hiện 4 hoạt động FONOP dưới thời Obama (1 vào năm 2015, 3 vào 2016), 27 hoạt động dưới thời Trump (4 vào năm 2017, 6 năm 2018, 8 năm 2019 và 9 năm 2020). Thời TT Trump, số lượng FONOP nhiều hơn gấp 7 lần so với Obama. Ngoài ra, các hoạt động FONOP dưới thời Trump cũng có 1 số đặc điểm đáng chú ý khác như 2 lần thực hiện FONOP 2 ngày liên tiếp (ngày 20-21/11/2019 và ngày 28-29/4/2020); 3 lần sử dụng 2 tàu chiến trong 1 lần FONOP (FONOP ngày 27/5/2018 với tàu USS Higgins và USS Antietam, FONOP ngày 11/2/2019 với 2 tàu USS Spruance và USS Preble và FONOP nhày 6/5/2019 với 2 tàu USS Chung Hoon và USS Preble).

- Dưới thời Chính quyền Bidensự thay đổi về cách thức công bố và triển khai trên thực tế.

+ Thứ nhất, Mỹ đã chủ động hơn trong định hướng dư luận về hoạt động FONOP. Từ năm 2017, khi Mỹ bắt đầu tăng tần suất các FONOP tại Biển Đông, Trung Quốc cũng bắt đầu đăng tải các thông tin rằng Trung Quốc phải “đuổi” hoặc “trục xuất” tàu Mỹ. Đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những phản biện, nhưng thông tin thường đưa ra sau khi Trung Quốc đã phát ngôn một thời gian.

+ Thứ hai, Mỹ có xu hướng công khai các FONOP. Trước thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ thường “âm thầm” tiến hành FONOP tại nhiều vùng biển trên thế giới. Đến thời chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ không công khai FONOP, hoặc chỉ đăng thông báo ngắn gọn: FONOP chỉ là hoạt động thông thường của Mỹ và không nhắm vào một quốc gia cụ thể.

Thời Chính quyền Biden, FONOP ở Biển Đông đang đi theo xu hướng minh bạch hoá, làm rõ tính pháp lý trênề Biển Đông. Nếu Mỹ duy trì được xu hướng trên, các hoạt động FONOP của Mỹ sẽ có hiệu quả hơn vì vừa góp phần lên án các yêu sách biển quá mức của Trung Quốc vừa giảm bớt sự chú ý, tránh bị coi là chỉ dấu cho sự gia tăng cạnh tranh Mỹ - Trung.

4. Vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc

Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, khi cả hai đều thuộc hàng nước lớn nhiều tham vọng và đều cần đến nhau. Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư, thị trường, sự ủng hộ của Mỹ trên trường quốc tế; Mỹ cần thị trường Trung Quốc, những thỏa thuận hay sự hỗ trợ của nước này trong giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Những lợi ích song trùng đó có thể là động lực mạnh mẽ giúp hai nước giảm bớt một số bất đồng.

Vì vậy, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đặt ra mục tiêu hai mặt: vừa đòi hỏi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, đóng góp cho hòa bình, không gây ra mối đe dọa cho khu vực, vừa không để vấn đề Biển Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ thực hiện chính sách hai mặt: vừa phối hợp vừa cạnh tranh, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trên cơ sở mẫu số chung là không để quan hệ đi đến đổ vỡ.

Để mở rộng đối thoại hơn với Trung Quốc nhằm tránh những rủi ro khi giải quyết các vấn đề trên biển, Mỹ sử dụng các cơ chế tham vấn quốc phòng Mỹ - Trung; cơ chế phối hợp chính sách quốc phòng Mỹ - Trung; thỏa thuận tham khảo các vấn đề quân sự trên biển Mỹ - Trung. Mới đây, ở vòng tham vấn thứ ba (3-2012) tại Học viện Hải quân Mỹ, Mỹ đã tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc, hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò năng động và tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế.

Mỹ cũng nhấn mạnh ủng hộ việc củng cố, tăng cường vai trò của các thể chế tại khu vực châu Á và mong muốn hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy mục tiêu đó. Nghĩa là khi hợp tác với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục thu được lợi ích kinh tế, thúc đẩy các mục tiêu chính trị, lôi kéo Trung Quốc vào các khuôn khổ pháp lý, hạn chế các hành động đơn phương của Trung Quốc, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực.

Thông qua đó, Mỹ còn khẳng định uy tín, ảnh hưởng đối với các nước khác trong khu vực. Cũng không ai đảm bảo rằng, một cuộc mặc cả, phân chia quyền lực Mỹ - Trung trên Biển Đông sẽ không xảy ra, và khi đó quyền lợi của các nước trong khu vực tất nhiên bị xếp hàng thứ yếu.      

III. ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG

Một là, khẳng định đường lối chủ trương của Đảng về quan điểm bảo vệ chủ quyển biển, đảo, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Luật Biển Việt Nam, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, các tuyên bố, hiệp ước, hiệp định đã ký kết với Mỹ, Trung Quốc và nước ASEAN và các nước khác liên quan đến Biển Đông.

Hai là, nhận thức đúng quan điểm của Đảng ta trong quan hệ đối ngoại; coi trọng vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên mọi lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, phòng chống dịch Covid 19; nhận thức đúng về “đối tác” và “đối tượng”. Trong quan hệ "Đối tác toàn diện" với Hoa Kỳ cần quán triệt phương châm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Giữ vững quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược, toàn diện” với Trung Quốc; quan hệ hữu nghị hợp tác với láng giềng, ASEAN, các thể chế đa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ba là, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý chí độc lập, tự chủ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển; không đi với nước này để chống nước khác, không bị lôi cuốn vào hoạt động của Mỹ và Trung Quốc; kiên quyết phản đối mọi hành động làm phức tạp thêm tình hình; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, đấu tranh trên thực địa; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chống lại sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống việc áp đặt, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thường xuyên quán triệt đường lối chủ trương của Đảng, nghị quyết của cấp uỷ các cấp, nhiệm vụ; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

                                       Th.s Đoàn Thị Cẩm Vân – Tổ bộ môn LLCT