star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược nước lớn Và tác động đến việt nam


Nước lớn (cường quốc) là khái niệm dùng để chỉ những quốc gia có diện tích rộng, dân số đông và có nguồn lực phát triển vượt trội so với nhiều nước khác. Đó là nước có tiềm lực, sức mạnh và ảnh hưởng vượt trội về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa, có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối và định hình chính sách và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới cũng như chi phối sự vận động của hệ thống quan hệ quốc tế, của các xu thế quốc tế và việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Các nước có quy mô lãnh thổ quốc gia lớn: Nga hơn 17 triệu km2 (chiếm 12.6% diện tích mặt đất của thế giới); Canada gần 10 triệu km2 (chiếm 7,36% diện tích mặt đất của thế giới); Hoa Kỳ gần 9,8 triệu km2 (chiếm 7,22% diện tích mặt đất của thế giới); Trung Quốc gần 9,6 triệu km2 (chiếm 7,07% diện tích mặt đất của thế giới); Brazil hơn 8,5 triệu km2 (chiếm 6,28% diện tích mặt đất của thế giới); Úc gần 7,6 triệu km2 (chiếm 5,6% diện tích mặt đất của thế giới); Ấn Độ gần 3,3 triệu km2 (chiếm 2,42% diện tích mặt đất của thế giới). Việt Nam có diện tích lãnh thổ hơn 331.000 km2, quy mô xếp thứ 66 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nước có quy mô dân số lớn: Trung Quốc hiện vẫn đang là quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người. Tiếp theo là Ấn Độ với gần 1,4 tỷ người. Tiếp sau đó là Hoa Kỳ; Indonesia; Brazil; Pakistan. Việt Nam có dân số hơn 98 triệu người xếp thứ 15 của thế giới.

Các nước có quy mô nền kinh tế lớn (số liệu GDP danh nghĩa năm 2022 do IMF thống kê): Hoa Kỳ: Hơn 27.000 tỷ USD; Trung Quốc: Hơn 20.673 tỷ USD; Nhật Bản: Hơn 5.019 tỷ USD; Đức: Hơn 4.418 tỷ USD; Ấn Độ: Hơn 3.856 tỷ USD; Anh: Hơn 3.308 tỷ USD; Pháp: Hơn 3.013 tỷ USD; Ý: Hơn 2.319 tỷ USD; Canada: Hơn 2.295 tỷ USD; Braxin: Hơn 2.219 tỷ USD; Nga: Hơn 2.201 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có quy mô GDP năm 2022 là 409 tỷ USD (nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới).

Các nước có sức mạnh quân sự hàng đầu: Hoa Kỳ; Nga; Trung Quốc; Ấn Độ; Anh; Hàn Quốc; Pakistan; Nhật Bản; Pháp; Ý. Việt Nam được đánh giá xếp thứ 19 của thế giới.

Các nước có trình độ công nghệ cao: Hoa Kỳ và Trung Quốc; tiếp theo là Nhật Bản, Đức và Anh; Ấn Độ và Pháp; Ý, Canada, Hàn Quốc. Đây là các quốc gia được đánh giá có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện tử, tự động, hòa nhập với xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; công nghệ 4.0, 5.0. Tuy nhiên họ chưa tính đến Nga vốn là một quốc gia có nền tảng khoa học cơ bản ngang Mỹ và nền công nghiệp quân sự hiện đại hàng đầu thế giới.

Đánh giá về sức mạnh các nước lớn hiện nay: 10 quốc gia đứng đầu lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Nhật, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel. Trong đó, Hoa Kỳ được đánh giá là “cường quốc kinh tế và quân sự nhất thế giới” (siêu cường thế giới). Trung Quốc và Nga được đánh giá là “cường quốc thế giới”. Các nước còn lại được đánh giá là “cường quốc khu vực”. Đây là thông tin tham khảo để biết sự đánh giá tương đối của dư luận thông qua khảo sát. Thực tế sức mạnh của các nước trên thế giới còn phụ thuộc nhiều yếu tố mà không tổ chức nào có thể tiếp cận và so sánh được.

1. Thực trạng cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược của các nước lớn

a. Nâng cao thực lực của quốc gia làm cơ sở sức mạnh tham gia cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược

Thực lực của quốc gia được thể hiện trên tất cả các mặt hoạt động của đời sống xã hội: Quy mô nền kinh tế; sức mạnh quân sự; sức ảnh hưởng đối với các tổ chưc quốc tế và các quốc gia; trình độ khoa học, công nghệ; sức mạnh mềm…

Hoa Kỳ: Từ thời Tổng thống Donan Trump đã hạn chế tình trạng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đến nay, Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có thay đổi đáng kể về chính sách kinh tế nhằm nâng cao sức mạnh nền sản xuất trong nước. Nước Mỹ đang quay trở lại giai đoạn nhà nước can dự, hoạch định chiến lược phát triển khoa học công nghệ, thay cho việc để thị trường tự điều chỉnh (từ những năm 1980). Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã có “Chiến lược quốc gia về công nghệ then chốt và mới nổi” (tháng 10/2020), cũng như các chiến lược công nghệ cụ thể hơn như Pháp lệnh hành chính của Tổng thống về “Đảm bảo địa vị lãnh đạo của Mỹ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo” (tháng 2/2019), “Dự luật sáng kiến lượng tử quốc gia” (tháng 12/2018) và “Chiến lược quốc gia về bảo mật mạng 5G” (tháng 3/2020)… Năm 2021 Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật cạnh tranh và đổi mới”, với mức ngân sách đầu tư 250 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong 10 lĩnh vực công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, máy tính lượng tử, viễn thông hiện đại, công nghệ sinh học, năng lượng tiên tiến… Dù ngân sách nhà nước năm 2022 thâm hụt hơn 1.700 tỷ USD nhưng Chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng (2022 gần 770 tỷ USD; năm 2023 lên 858 tỷ USD; dự kiến năm 2024 lên 842 tỷ USD)…

Trung Quốc: Sau đại dịch Covid19, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2023 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc cho thấy mức tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 5%. Báo cáo của UNESCO cho thấy, tỷ lệ phần trăm đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trên tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình toàn thế giới đã tăng từ 1,73% năm 2014 lên 1,97% năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh nhất cho nghiên cứu khoa học công nghệ khi đầu tư cho khoa học công nghệ của Trung Quốc chiếm gần 1/4 của toàn thế giới (24,5%), con số này vào năm 2014 là 21,2%. Năm 2018, đầu tư cho khoa học công nghệ của Trung Quốc chiếm 2,19% GDP của nước này (khoảng 439 tỷ USD), tỷ lệ đầu tư đang được duy trì với xu hướng tăng nhẹ cho đến nay. Sau 30 năm không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng từ 9,87 USD năm 1994 lên gần 225 tỷ USD năm 2023…

Nga: Mặc dù Hoa Kỳ và phương Tây thực thi những lệnh cấm vận ngặt nghèo chưa từng có đối với nền kinh tế nhưng Chính phủ Nga đã thành công duy trì tình trạng kinh tế khá ổn định trong điều kiện đang xung đột quân sự với Ukraine. Khoa học, công nghệ của Nga dù chưa tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ đối với đời sống kinh tế thế giới nhưng có những bước tiến vượt bậc trong khoa học, công nghệ quân sự với sự ra đời của các loại vũ khí thế hệ 5, hiện đại hàng đầu thế giới. Để phục vụ cho mục tiêu quân sự, quốc phòng, ngân sách quốc phòng của Nga năm 2024 dự kiến chi hơn 111 tỷ USD (tăng 68% so với năm 2023).

Các nước khác (Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Braxin, Nam Phi và Tây Âu…) cũng không ngừng nâng cao sức mạnh kinh tế, khoa học công nghệ và quân sự và các yếu tố sức mạnh mềm nhằm gia tăng sức ảnh hưởng chiến lược.

b. Lôi kéo, tăng cường quan hệ tạo sự ràng buộc lợi ích, chi phối đối với các nước và tổ chức khu vực, quốc tế.

Các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luôn nắm quyền và thực hiện việc phủ quyết các nghị quyết không phù hợp với lợi ích của mình. Bất chấp những nghị quyết đó có lợi ích như thế nào đối với hòa bình, ổn định thế giới. Ngày 18/10, Mỹ đã phủ quyết một dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn giữa quân đội Israel và phong trào Hamas của Palestine. Dự thảo Nghị quyết này được Braxin biên soạn nhằm mục đích cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận dải Gaza. Đã có 12 thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu ủng hộ dự thảo, còn Nga và Anh bỏ phiếu trắng.

Các nước lớn đề xuất phát triển và củng cố các tổ chức, các dự án, chương trình nhằm tăng cường ràng buộc lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh; phát triển liên minh, đồng minh và lực lượng ủng hộ, tạo không gian ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Hoa Kỳ không ngừng củng cố, mở rộng NATO; các hiệp ước bảo đảm an ninh với đồng minh; quan hệ song phương chặt chẽ với các đối tác quan trọng. Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” (17/10/2023 tổ chức Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba); mở rộng Nhóm BRICS từ 5 nước (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) lên 11 nước tham gia (thêm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE); duy trì Tổ chức hợp tác Thượng Hải; tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và các đối tác quan trọng (ASEAN, Nga, Ấn Độ, Saudi Arabia và EU)… Nga duy trì tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (Ácmênia, Bêlarút, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Nga và Tátgikixtan); tăng cường quan hệ mật thiết với Trung Quốc thông qua các tổ chức cùng là thành viên; tăng cường quan hệ với một số đối tác lớn (ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia…). Các nước lớn khác cũng không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia, khu vực, địa bàn quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế…

c. Kìm hãm, triệt hạ đối thủ cạnh tranh và chèn ép các nước cản trở sự phát triển ảnh hưởng chiến lược

 “Chiến tranh thương mại” Hoa Kỳ - Trung Quốc là sự kiện tiêu biểu nhất cho việc kìm hãm phát triển của đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược. Từ năm 2018 đến nay, Hoa Kỳ duy trì chính sách hạn chế thương mại; chấm dứt hợp tác phát triển công nghệ mới, công nghệ nguồn với Trung Quốc. Hành động đó nhằm thu hẹp thị trường, gây suy yếu cho nền kinh tế Trung Quốc; cản trở đà phát triển công nghệ mới của Trung Quốc đang có xu hướng vượt lên trên trình độ của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cấm nhập khẩu chuối của Philipin (sau khi diễn ra vụ va chạm tại bãi cạn Scaborou) tháng 4/2012 khiến nông dân lao đao. Ngoài ra, các lực lượng quân sự và thực thi pháp luật của Trung Quốc sẵn sàng gây rối môi trường trên không, trên biển ở khu vực Biển Đông khi các nước láng giềng có hoạt động không “vừa ý” họ…

Đối với các nước lớn khác cũng sẵn sàng thực thi những biện pháp kinh tế, thương mại, ngoại giao, quân sự, an ninh để đáp trả các đối tác hoặc quốc gia có liên quan yếu thế hơn khi không “đi vào quỹ đạo” của họ nếu điều đó có thể mang lại lợi ích.

2. Nguyên nhân và phương thức cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược nước lớn

a. Nguyên nhân

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược là sản phẩm tất yếu của lịch sử khi xu hướng toàn cầu hóa mở ra và gắn với kinh tế thị trường. Khi quy mô nền kinh tế vượt quá khả năng tiêu thụ của quốc gia và không đáp ứng được tất cả các nhu cầu của đời sống xã hội, bắt buộc mỗi nền kinh tế phải có mối quan hệ quốc tế về kinh tế, thương mại mới bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế; đảm bảo cho sự phồn vinh của xã hội. Hoạt động kinh tế khi đã có sự giao lưu kinh tế quốc tế tất yếu có sự cạnh tranh, mâu thuẫn lợi ích. Những mâu thuẫn đó ở phạm vi nhỏ có thể dùng luật pháp quốc tế và quốc gia để giải quyết. Tuy nhiên, mâu thuẫn diễn ra trên bình diện quốc gia thì hệ thống luật pháp quốc tế cũng không mấy khi có thể giải quyết được. Khi đó, những quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với hệ thống luật pháp, bộ máy xử lý tranh chấp thường là người thắng cuộc. Nhất là, khi quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu tác động được các thể chế kinh tế quốc tế thì thường không khi nào chịu thua thiệt.

Mục tiêu hướng đến của nhân loại là tự do, bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc nhưng thế giới hiện nay đang chịu sự chi phối của tập quán “chính trị cường quyền”, mạnh được, yếu thua. Nước có sức mạnh vượt trội, có ảnh hưởng chiến lược sâu rộng với cộng đồng quốc tế dễ dàng huy động được khả năng, sức mạnh của các đồng minh, đối tác để giải quyết những khó khăn, nhu cầu của mình; mượn nhờ lực lượng của nhiều nước tạo thành sức mạnh để chèn ép, tiêu diệt đối thủ.

Sức mạnh vượt trội và tầm ảnh hưởng chiến lược lớn là bảo đảm “bằng vàng” cho an ninh quốc gia và vẹn toàn lãnh thổ. Thường không có quốc gia nào nhỏ, yếu hơn xâm phạm biên giới quốc gia của họ. Những cuộc xung đột biên giới thường diễn ra bởi những đối thủ tương xứng trực diện hoặc đứng sau và khi chính quốc gia đó xâm phạm lãnh thổ láng giềng, buộc họ phải chống lại. Chính vì vậy, tất cả những nước lớn đều có khát vọng tăng cường ảnh hưởng chiến lược ngang tầm với sức mạnh quốc gia. Sự va chạm ảnh hưởng khiến họ buộc phải cạnh tranh.

b. Phương thức cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược được diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới mọi hình thức, biện pháp và quy mô. Biểu hiện tập trung nhất là lĩnh vực chính trị, ngoại giao của quốc gia. Bên cạnh đó có các nhân tố kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật… làm nền tảng tạo thành cơ sở cho kết quả quan hệ chính trị, ngoại giao.

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược là hoạt động được thống nhất chỉ đạo điều hành trên bình diện quốc gia, nhằm mục tiêu cụ thể, rõ ràng; có những bước đi, biện pháp cụ thể theo chiến lược và quy hoạch chung; tiến hành nhất quán, liên tục với sách lược linh hoạt trong khoảng thời gian nhất định.

Cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược thường được các nước thực hiện theo hai phương án chủ yếu, một là chạy đua để tranh giành ảnh hưởng; hai là, trao đổi thỏa hiệp lợi ích tương xứng. Dù theo phương án nào thì đối tượng mà họ cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược cũng là người gánh chịu thiệt hại nếu sa vào vòng xoáy cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược giữa các nước lớn.

II. VIỆT NAM TRƯỚC SỰ CẠNH TRANH ẢNH HƯỞNG CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC NƯỚC LỚN

1. Việt Nam là đối tượng các nước lớn muốn thiết lập ảnh hưởng chiến lược

- Xuất phát từ vị trí địa chính trị, địa kinh tế. Việt Nam là một cầu nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của châu Á, cửa ngõ giao thương với các nền kinh tế biển khu vực, đồng thời cũng là cửa khẩu đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Có vị trí địa lý là trung tâm kinh tế thương mại trong khu vực Đông Nam Á, dễ dàng kết nối với biển Hoa Đông và với vùng Viễn Đông của Nga. Đồng thời từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Băng la đét bằng đường bộ, có thể kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với vùng Nam Á và xa hơn.

- Xuất phát từ triển vọng và vai trò của Việt Nam: Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú. Dân số và mật độ tăng ổn định, với chính sách dân số, độ tuổi người lao động (từ 15 – 59) tăng ổn định. Môi trường xã hội ổn định, có tính hòa bình cao; dễ hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Việt Nam và dân tộc Việt đã thích nghi với môi trường khu vực và quốc tế, hơn thế nữa, có truyền thống lịch sử giữ nước và dựng nước, có tiếng nói trong phong trào gìn giữ độc lập và tự chủ; có nền chính trị ổn định. Việt Nam hoàn toàn có triển vọng trở thành cường quốc khu vực. Tạo được ảnh hưởng chiến lược đối với Việt Nam, có thể thuận lợi áp dặt được vị thế, chi phối khu vực và lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á.

- Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào môi trường quốc tế. Tuy nhiên tổng hợp sức mạnh kinh tế, quân sự, công nghiệp dân sự, khoa học công nghệ và hạ tầng giao thông còn hạn chế. Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực để phát triển đất nước. Việt Nam theo đuổi mục tiêu là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; không phân biệt chế độ chính trị… Năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD (hơn 150% GDP). Trong đó, xuất khẩu vào Hoa Kỳ 109,1 tỷ USD (chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu); nhập khẩu từ Trung Quốc 119,3 tỷ USD (chiếm hơn 33% kim ngạch xuất khẩu); xuất khẩu sang Trung Quốc gần 60 tỷ USD trong đó phần lớn hàng nông, thủy sản xuất sang thị trường này. Thương mại Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất cao khi các đối tác lớn thay đổi chính sách thương mại bởi thị trường nhập khẩu, xuất khẩu còn tập trung và chưa cân đối. Vũ khí, trang bị quân sự của Việt Nam đang sử dụng, nhất là vũ khí tầm xa, hiện đại chủ yếu có nguồn gốc từ Nga. Đây cũng là nhân tố phụ thuộc vào cường quốc về quân sự, quốc phòng… Trên đây chính là những cơ hội để các nước lớn thâm nhập, tiếp cận, tìm cách tạo sức ép thâm nhập và tạo ảnh hưởng chiến lược đối với Việt Nam.

2. Phòng ngừa và ứng phó với tác động từ cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược của các nước lớn

a. Quán triệt sâu sắc quan điểm, bài học lịch sử về quan hệ quốc tế trong lịch sử dựng nước và giữ nước và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước

Quán triệt sâu sắc chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết từ lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm và cuộc đời đấu tranh cách mạng. Độc lập đó là quyền tự chủ về tư tưởng, quan điểm, đường lối và hành động; không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào bên ngoài. Độc lập không phải là cô lập. Độc lập đồng nghĩa chủ động chọn lựa đối tác, chọn lựa quan hệ để hợp tác nhằm có lợi, hài hòa cho các bên. Độc lập đồng nghĩa với mở rộng đoàn kết quốc tế để cộng đồng quốc tế hiểu hơn, quan tâm hơn và cùng chúng ta phấn đấu vì mục tiêu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng, kiềm chế những tham vọng không chính đáng.

Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu, trọng chính nghĩa của dân tộc. Giải quyết các mối quan hệ quốc tế mềm dẻo để đạt mục đích cối cùng (dĩ bất biến, ứng vạn biến). Thực hành đúng đắn quan điểm “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Thêm bạn, bớt thù. Lấy mục tiêu tiến bộ và lợi ích chung, công bằng, hợp lý để mở rộng đoàn kết quốc tế. Tăng cường đối thoại chân thành, cở mở giải quyết mọi vướng mắc từ sớm. Mọi bất đồng với các đối tác cần thường xuyên đối thoại, thúc đẩy giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mở rộng quan hệ và đoàn kết quốc tế, đa phương, đa lĩnh vực, nhiều chiều, nhiều cấp độ, tầng nấc; tạo sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ cuộc sống hòa bình, ổn định của nhân dân và bình yên của xã hội. Tạo sự đồng thuận ủng hộ của các đối tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự do, toàn vẹn, thống nhất chủ quyền lãnh thổ và sự khác biệt về thể chế chính trị; bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa về lợi ích.

Củng cố ổn định chính trị và tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tập trung các nguồn lực xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và phát triển bền vững. Coi đây là nền tảng hàng đầu vừa là cơ sở để phát triển quan hệ và hội nhập quốc tế vừa là mục tiêu để bảo đảm sự trường tồn, lớn mạnh của dân tộc trước những tác động nhiều chiều, phức tạp của môi trường quốc tế; là điểm tựa vững chắc để không sa vào vòng ảnh hưởng, chi phối của các nước lớn.

b. Một số thành tựu góp phần ứng phó với tác động của các nước lớn gây ảnh hưởng chiến lược đối với Việt Nam

Hơn hai năm nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu, rộng và hiệu quả. Trong Đại dịch Covid19, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%. Mặc dù năm 2023, Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ các thị trường lớn nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm vẫn có thể đạt mức tang trưởng GDP từ 6 đến 6,5%. Tiếp tục tăng cường thế trận lòng dân; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.  Xử lý linh hoạt, cân bằng, hài hoà quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khu vực cũng như các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia cải thiện thứ hạng về chỉ số hòa bình, tăng 4 hạng lên vị trí 41/163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực lực quốc gia được nâng lên, những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá nằm trong top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Chúng ta đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó, có 05 đối tác chiến lược toàn diện (Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ; Ấn Độ, Hàn Quốc); 13 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Đối tác chiến lược với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 nhiệm kỳ 2022-2023; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026. Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Riêng đối với ba cường quốc hàng đầu thế giới, chúng ta duy trì ngoại giao cân bằng, độc lập, tự chủ. Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam và nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chính thức chuyển lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Nga - Pu tin sớm thăm Việt Nam./.

              Ths Nguyễn Mậu Minh – Trưởng Bộ môn LLCT