star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Các giai đoạn sáng tác của Nhà thơ Vũ Hoàng Chương


Trong phong trào Thơ Mới 1932-1945, giữa những cá tính nổi bật Vũ Hoàng Chương nổi lên như một cá tính sáng tạo khó lẫn. Thế giới thơ Vũ Hoàng Chương độc đáo khác lạ: từ trữ tình đến tượng trưng siêu thực, và có cả hoài cổ đậm sắc màu phương Đông. Hành trình thơ Vũ Hoàng Chương từ 1932 đến 1976 trải qua nhiều đề tài và tập trung ở 2 giai đoạn: 1932-1945 và 1945 đến 1976.

Vũ Hoàng Chương sinh ngày 14 tháng 5 năm 1915, tại thành phố Nam Định trong một gia đình thượng lưu, cha làm tri huyện, mẹ biết làm thơ chữ Hán, giỏi đàn. Nguyên quán: Làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên. Từ lúc lên 5, ông đã học chữ Nho, đến năm 14 tuổi ông học chữ Pháp. Vì thế, nhà thơ đã hấp thụ một cách tự nhiên hai dòng văn học Đông Tây cho nên thơ Vũ Hoàng Chương có sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ.

          Theo dõi bước tiến của Vũ Hoàng Chương  trên hành trình sáng tác tính từ năm 1940 tới nay, thi sĩ đã có gần hai mươi tập thơ và kịch được xuất bản. Các tác phẩm của ông đã được ấn hành như: Thơ say (1940),  Mây (1943), Hoa đăng (1959), Cảm thông (1960), Tâm sự kẻ sang Tần (1961), Trời một phương (1962), Lửa từ bi (1963), Ngồi quán (1970),  Bút nở hoa đàm (1967), Ánh trăng đạo, Ta đợi em từ 30 năm (1970),  Đời vắng em rồi say với ai (1971), Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)...

          Vũ Hoàng Chương được coi là một trong những khuôn mặt đại diện cho nền văn học Việt Nam trải hai thời kỳ: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông tạo cho riêng mình một thi giới rất lạ tựa như con suối chảy từ trữ tình đến tượng trưng, sang siêu thực nhưng đồng thời thơ ông cũng hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều màu sắc Đông phương. Theo Tạ Tỵ, thơ Vũ Hoàng Chương là "Tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc".

          1.Giai đoạn Thơ mới 1932 - 1945

          Vũ Hoàng Chương bước vào làng Thơ mới khi trên thi đàn đã xuất hiện nhiều ngôi sao sáng. Chúng ta bắt gặp một Thế Lữ say ở cõi tiên bồng, một Lưu Trọng Lư chìm trong sầu mộng, một Xuân Diệu yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt, một Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tạo ra những vần thơ kinh dị mà có sức ám ảnh lạ thường, một Nguyễn Bính thuần phác chân quê ...Và đến cuối mùa thơ ấy Vũ Hoàng Chương lại tung vào cõi mênh mông của vũ trụ, cõi sâu thẳm của tâm linh một sắc màu mới, khơi những nguồn lạ cho thơ. Ông đã chọn cho mình một lối đi riêng - Vũ Hoàng Chương một mình đứng ở cõi say để nhìn cuộc đời dâu bể. Nói như Đỗ Lai Thuý: “Vũ Hoàng Chương đã cô đúc toàn bộ triết lí cuộc đời và nghệ thuật của mình vào một chữ say” [51, tr. 123].

          Bước vào thế giới nghệ thuật thơ Vũ Hoàng Chương, chúng ta bắt gặp cái tôi trữ tình chìm đắm trong men say: say rượu, say thuốc phiện, say nhảy đầm, say thơ, say tình, say đời ... Cái say tạo nên một Vũ Hoàng Chương phân cực, biến hoá, vừa đa dạng, vừa thống nhất. Ở nhà thơ dường như luôn diễn ra cuộc phân thân quyết liệt giữa hồn và xác, nên thế giới thơ ông giăng mắc đôi bờ hư - thực, say - tỉnh, nửa ngán đời, nhưng lại yêu đời cuồng nhiệt, nửa giận hơn, nhưng lại chứa đầy yêu thương, nửa khao khát tìm quên trong quá khứ, nhưng vẫn nghe tiếng ồn ã của cuộc đời.

          Cung bậc chung trong Thơ Say, Mây là nỗi buồn của một tâm hồn nhận ra mình kẻ đầu thai nhầm thế kỉ, buồn vì cuộc đời đen bạc không thắp sáng được những ước mơ của người nghệ sĩ, buồn vì tình yêu đổ vỡ. Nỗi buồn xuyên thời gian, phủ không gian ấy đi vào ngự trị trái tim nhà thơ. Nó là hệ quả từ những vết thương rạn nứt, đỗ vỡ của xã hội, từ nỗi đau riêng của kiếp người rồi trở thành di chứng cô đơn, chán chường, tuyệt vọng in hằn trong tâm trạng Vũ Hoàng Chương. Sinh ra trong thời đại nước nhà bị ngoại xâm, ông không đủ dũng khí để lựa chọn theo con đường đấu tranh cách mạng. Thi sĩ đành tìm quên trong ảo giác, nhờ men, khói đưa chàng Say xê dịch chốn chơi vơi nhằm quên đi mối hận đời trọn kiếp.

          Như một tín đồ nhập đạo dưới chân thần tượng, thi nhân không chỉ cần đến men mà ông còn nguyện với nàng tiên nâu sẽ vùi quên tất cả. Quả như lời nguyện, bên cạnh những vần thơ khóc than, chúng ta còn bắt gặp tác giả ở một chủ điểm mới. Đó là thú ăn chơi trác táng nhằm đem lại cho tâm hồn thi nhân những phút phiêu du trên cảnh huyền mộng, chơi vơi:

Đêm nay lạnh tìm em trên gác tối

Trong tay em dâng cả tháng năm thừa

Có lẽ đâu tâm linh còn chọn lối

Để đi về cay đắng những thu xưa

                                                                                                               (Quên)

          Men đã ngấm thiêu đốt các giác quan dìu hồn say chếnh choáng trở về với thuở khai sinh của trời đất “Quỷ với người chung một mái nhà”, trong thế giới ấy, các yếu tố trăng, hoa, gỗ đá ... tồn tại hoà hợp, tương giao “Xao xuyến muôn loài thơm nhạc sống”. Hồn thơ thi nhân còn vượt qua giới hạn của không gian trở về miền hoài niệm. Ở đây, Vũ Hoàng Chương đã tìm được lịch sử oai hùng của Á Châu xưa để an ủi. Hình ảnh Đông phương cường thịnh với vó ngựa thành Cát Tư Hãn, với Vạn Lí Trường Thành … hiện dần theo khói thuốc phiện:          

Thế kỉ huy hoàng của Á châu

Hiện về trên gối một đêm nâu

Mây xanh cánh rộng ai mơ đó

Hồn  có  tiêu tan vạn cổ sầu

   (Hơi tàn Đông Á)

 Với con người không phải là nhà ngoại cảm hay phù thuỷ mà tồn tại bằng xương, bằng thịt thì không dễ dàng gì trở về với cõi ngoài nhân gian. Vũ Hoàng Chương đã mượn men, mượn khói để phiêu diêu tới cõi mộng chốn Bồng Lai, tiên cảnh hay quá khứ huy hoàng nhằm trốn kiếp lạc loài, nhưng nhà thơ không thể trốn khỏi Lồng thực tế chật hẹp. Đời vốn cho thi sĩ ít hương thơm mà nhiều cỏ đắng, nhà thơ lần bước trở về với hành trang chứa đầy giông bão:

Nhưng vũ trụ hư huyền tuy rộng mở

Ta đê mê cảm được chút gì đâu!

Hồn với xác chỉ còn thoi thóp thở

Trong hai bàn tay sắt bọc nhung nâu

                          (Chết nửa vời)

          Chất xúc tác rượu, thuốc phiện, ái tình không thể đưa Vũ Hoàng Chương vào cõi mê ly để bắt gặp vẻ đẹp hư huyền mà ngược lại càng khắc sâu tâm trạng chán chường, tuyệt vọng. Toàn hương tận mỹ thi nhân không thể tận hưởng, chỉ thấy cái chết nửa vời và niềm đau của tình yêu dang dở là thấm vào tận cùng huyết quản:

Men khói đem nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,

Tình ta, ta tiếc! Cuồng, ta khóc

Tố của Hoàng nay Tố của ai?

                                                                                  (Mười hai tháng sáu)

          Vũ Hoàng Chương xuất bản những thi phẩm đầu tay Thơ say, Mây giữa thời Tây học cực thịnh, khi phong trào Thơ mới dào dạt lôi cuốn lớp thanh niên đã hấp thụ khá nhiều văn hoá châu Âu. Những thi nhân cùng thế hệ với ông như: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư …đều tiếp nhận ảnh hưởng của thi sĩ Pháp thế kỉ XIX. Người thì ngả theo hướng lãng mạn, người theo lối biểu tượng … Xuân Diệu yêu thơ Pháp đến nỗi có lần phải kêu lên rằng: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine”. Trong bầu không khí đẫm hương Tây như vậy, Vũ Hoàng Chương cũng bị cuốn vào là điều đương nhiên:

  Lá rơi đầy ngõ hẹp

Đời hiu hiu xế tà

Ôi ta đã làm chi đời ta.

Ai đã làm chi lòng ta

Ta đã làm chi lòng ta xưa

Ta đã dùng chi đời ta chưa

                                                                                  (Đời tàn ngõ hẹp)

          Theo Đoàn Thêm, Thơ SayMây là hai tập thơ gợi lên những âm điệu quen thuộc với những mê ly và chán chường trong tình yêu đôi lứa, những đắng cay trong cuộc đời. Với hai tập thơ trình làng Thơ Say (1940), Mây (1943) Vũ Hoàng Chương đã khiến biết bao người yêu thơ không khỏi ngỡ ngàng, thán phục. Quả thực hai tập thơ là những bông hoa lạ trong vườn hoa đầy hương sắc của Thơ mới.

          2. Giai đoạn 1945 - 1976

          Thời gian mang lại sự già nua, nhưng nó cũng dẫn tới sự chín chắn, tỉnh táo và giải mộng. Trước Cách mạng tháng Tám, Vũ Hoàng Chương  tập trung vào hai đề tài say và tình yêu để thể hiện một cái tôi trữ tình chán chường, tuyệt vọng. Bước sang giai đoạn này ông đã chuyển hướng sáng tác. Cái tôi trữ tình trong thơ Vũ Hoàng Chương giờ đây có phần trầm tĩnh hơn để hướng lòng tới những vấn đề lớn lao của cuộc đời.

          Trong các tập thơ: Hoa đăng, Cảm thông, Tâm sự kẻ sang Tần, Trời một phương... Vũ Hoàng Chương đề cập tới chủ đề siêu thoát. Trải bao cay đắng trên đường đời thi sĩ từng nhìn lại khởi điểm con đường đã đi. Chao ôi! vẫn chỉ là ảo mộng nếu có muốn trở về ngôi chính vị chỉ khi nào con người đã từ bỏ trần gian. Ông nhận ra thân phận con người thật nhỏ bé trước cái bao la, vô thường của trời đất. Con người phận mỏng lắm nếu đem so với phương trình vũ trụ. Con người chỉ là “hạt cát bên sông Hằng”:

“Đo màu mây sớm nét mưa chiều
Đo cả hơi đàn cả tiếng tiêu
Con số ra tay đè nén mãi
Con người phận mỏng đến bao nhiêu”

(Phương trình số phận)

Và thơ vẫn chỉ là lẽ thường của đời người, là sự thường của kiếp sống - ngắn ngủi và vô hạn như một tiếng hát: “Ta còn để lại gì không?Kìa non đá lở, này sông cát bồi”(Bài ca siêu thoát). Vũ Hoàng Chương hướng miền suy cảm của mình về cõi vô vi,  cái  “Có” cái “Không” phải chăng là mầu nhiệm?

“Phải chăng muôn kiếp nặng nề
Từ Hư Không lại trở về Không Hư
Lẽ nào mộng cả thôi ư?
Người ơi! Giọt bể chứa dư tang điền…”

(Bài ca siêu thoát)

Thi sĩ quan niệm cuộc đời là những cuộc siêu thoát, là những bước phiêu du từ bao độ luân hồi tử sinh: “Lang thang từ độ luân hồi/ U minh nẻo trước xa xôi dặm về”(Nguyện cầu). Cho nên, say hay cái chết cũng là hình thức của siêu thoát:

Trở gót quê Say ngược Suối Điều

Nét hoa mờ tỏ sóng phiêu diêu
   Lên tiên về tục thương Từ Thức

                                                                                                                                                                                      (Ngẫu cảm)

Như vậy, trong giai đoạn 1945 - 1975, chúng ta thấy Vũ Hoàng Chương đã có cái nhìn thản nhiên về cuộc đời, dường như ông ít than vãn về kiếp người hơn mà ông nói nhiều về vũ trụ, trời đất, địa cầu, Thái dương, Bắc Đẩu, Kim Tự Tháp... Những hình ảnh về thời gian và không gian được tác giả sử dụng nhiều trong thơ: “Không gian từng kết hình trong mộng/  Và sắc thời gian ở chiếu giường” (Tâm sự phố phường), “Lật ngược Càn Khôn tìm đáy túi” (Xuân mới), và ở những phút mê say trong hứng thú, nhà thơ đắc ý ngâm vang “Ta có bài thơ vũ trụ, Thơ ta làm nên Không gian”(Khai sinh). Thơ Vũ Hoàng Chương đã hướng tới cái bao la, nên hình ảnh thơ toả rộng, tung bay với nhiều câu thơ thật độc đáo:

Trái đất mừng ta nhạc vút cao

Băng sơn gầm thét hoả sơn gào

Bóng ai in xuống chân trời mới

Nhật nguyệt hai phương ngửa mặt chào

                                 (Đăng trình)

            Thơ Vũ Hoàng Chương bàng bạc dấu vết thời thế. Ông sinh ra trong thời đại lửa đạn gầm trời, dù không phải là con người đấu tranh, nhưng kính phục những con người dấn thân vào cuộc đời đấu tranh vì chính nghĩa. Tác giả đã có nhiều bài thơ vịnh sử nói về Kinh Kha, Phạm Hồng Thái, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ. Trong tập thơ Mây ông từng viết những vần thơ phê phán chiến tranh. Nhà thơ lên tiếng oán hận thời ly loạn. Chiến tranh làm cho đôi lứa xưa yêu nhau nhưng bây giờ là chia ly, tang tóc:

Ôi thôi cuộc thế hết thanh bình
Cái tuổi thơ ngây của chúng mình.
Đã hết rồi em!. . . và cũng hết

Cả mùa thu ấy đẫm men tình

                                                                                      (Tình thuở thanh bình)
          Cho đến những năm 1968 - 1969 khi cuộc chiến tranh miền Nam diễn ra khốc liệt, Vũ Hoàng Chương chuyển sang chủ đề lên án chiến tranh qua tập thơ Ngồi quán. Chiến tranh là nguyên nhân của mọi khổ đau. Nó biến những vùng đất vốn bình yên thành bãi chiến trường. Nó phá tan bao gia đình hạnh phúc: cha mẹ mất con, vợ mất chồng, anh em li tán …Vũ Hoàng Chương đã có những vần thơ thể hiện niềm đau, nỗi căm thù chiến tranh:

Ôi chiến tranh làm biệt ly!

Như bọt vỡ trên sông trên biển

Như bụi nát nhừ trên đường ra hoả tuyến

                                       Như trên vòm trời tan tác mây

                                   Bao mảnh vụn nổ tung cứa đứt chuỗi đêm ngày

                                                                                  (Thế là)

          Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lãng mạn, cũng là một nhà thơ Phật giáo. Cũng như Nhất Linh, ông đã phản đối hành động đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm những năm 1963 - 1966. Cho nên, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ ủng hộ công cuộc tranh đấu của Phật giáo chống gia đình họ Ngô. Lửa từ bi, Bút nở hoa đàm, Ánh trăng đạo ... Nội dung thơ Vũ Hoàng Chương  trong các tập thơ này mang đậm dấu ấn Phật giáo, qua các ý niệm về: vô thường, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, giải thoát, nhân duyên, niết bàn, tiền kiếp, khổ đau... Người đọc có thể nhận thấy, trên nẻo về với Phật Vũ Hoàng Chương đã tìm được niềm tin yêu cuộc sống, tâm hồn thi sĩ đã bình yên trên trang đạo lí thơm:

Bụi đỏ phai màu nhân sự
Trang đạo lý thơm tho từng nét chữ
Mười ngón tay dan díu cõi vô hình
Xác tục lâng lâng chờ cơn gió hiển linh
Ai xưa quên ngày tháng hát vong tình
Kìa phương Nam, hoa nở ngát lời kinh
Dằng dặc trầm luân mấy độ
Thuyền ta trôi hề ý ta bay
Sương in bóng nguyệt không mà có
Hay có mà không nhỉ gã say?

                                                                                               (Bài ca siêu thoát)

Ngọn lửa Từ Bi cháy ngùn ngụt giữa đường nhân thế làm sáng ngời cửa Phật, soi đường cho Vũ tìm thấy chân lý cuộc đời. Vũ dâng hiến linh hồn mình cho đấng Thích Ca, cho cõi vô cùng siêu thoát. Từ lâu, Vũ nghe được tiếng cá thở than, hôm nay, Vũ đã sõi tiếng rừng cây, Vũ chỉ chờ ngày hiểu được bề sâu của lòng đất là thoả nguyện ước mơ cuối đường:

“Nghe được từ lâu cá thở than
Hôm nay mới sõi tiếng cây ngàn

 

 

Bao giờ tôi hiểu sâu lòng đất
Là thấy đường lên cõi Niết Bàn”.

(Nhị thập bát tú)

          Đề tài xuyên suốt trong thơ Vũ Hoàng Chương từ trước Cách mạng cho đến sau Cách mạng là thơ tình yêu. Theo Đoàn Thêm thống kê thì: trong tập thơ SayMây có (20/57), Hoa Đăng có (8/50), Rừng phong có (12/35), Trời một phương (26/36)... Đúng như Hà Minh Đức nhận xét: “Thơ tình Vũ Hoàng Chương cũng là tấm phiên bản trung thành và thu nhỏ lại của thơ Vũ Hoàng Chương”[10, tr.335]. Tập thơ Ta đợi em từ ba mươi năm ra mắt bạn đọc vào năm 1969 đã thâu tóm được cả chặng đường thơ tình của thi sĩ. Theo lời tự bạch của Vũ Hoàng Chương: “Đã từ lâu, tôi có ước nguyện gom góp lại những bài thơ “tình yêu” viết trong tuổi hoa, để in thành tập riêng, điều đó sẽ giúp tôi sống trọn vẹn cùng muôn  ngàn ảo ảnh xa xưa. Đành rằng tình yêu không chịu ràng buộc nào. Tình yêu vốn không tuổi! Nhưng tôi nhiều khi cảm thấy mình đặc biệt ưa thích những bài thơ “tình yêu” viết từ trước tuổi bốn mươi”. Đó là tập thơ ghi lại những tình cảm chân thành, biết bao đắm say, biết bao thơ mộng của mối tình tuổi hoa niên cũng như những hoài niệm, đớn đau của tình yêu đã mất.

          Nói về thơ tình yêu của Vũ Hoàng Chương nhiều người thường nghĩ “đến những vần thơ đắm đuối, đam mê và có phần bệnh hoạn” [10, tr.335]. Quả thực, thơ Vũ Hoàng Chương có một phần lượng nhỏ nói lên những phút giây hoan lạc, tìm sự giải thoát ở những thú vui để lãng quên tất cả. Tuy nhiên, chính tác giả cũng thấy sự mải mê trong thú vui xác thịt thường đem lại sự chán chường tuyệt vọng “Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới/ Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn ”(Tối tân hôn). Và một số bài thơ tác giả vượt ra khỏi thế giới hiện thực tìm đến tình yêu mộng ảo. Vũ Hoàng Chương như thả tâm hồn qua trang sách tìm về với những dị sử, những truyền thuyết xưa, chuyện tình của Liêu Trai, Hồ Ly và những cô gái nức tiếng một thời, gái Giang Nam rồi Thôi Oanh Oanh ở Mái Tây…“Đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối/ Tình hướng về đông dạ lắng chờ” (Tình Liêu Trai). Song mạch thơ tình đáng chú ý nhất của Vũ Hoàng Chương là “những bài thơ tình yêu viết trong tuổi hoa” [10, tr.336].

Hành trình thơ Vũ Hoàng Chương từ năm 1932 - 1976 được thể hiện qua nhiều đề tài. Từ say, tình yêu, chiến tranh đến tôn giáo là một chặng đường dài thể hiện khả năng sáng tạo miệt mài của người nghệ sĩ trọn đời dành cả cho thơ.

Thơ đối với Vũ Hoàng Chương đến mãi cuối đời vẫn là sự “đẹp siêu   trần”, làm thơ là tìm đẹp, chất thơ vẫn là “hạt châu”, là “bảy sắc cầu”, là “xuân đầu, xuân cuối tình chan chứa”. Nhà cửa vẫn là “mái lầu xưa”, trang giấy “tờ mây nằm ngát mực”… Trên hành trình tìm kiếm vẻ đẹp cho Lầu Thơ, ông chấp nhận đủ các loại thơ cũ, mới và dù thành công ít hay nhiều bao giờ cũng mang đến cho độc giả cảm tưởng trang trọng.

Kim Phượng