star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tọa đàm Khoa học: "Văn học - Thực tiễn Dạy học và Ứng dụng"


“Văn học là nhân học”, là kết tinh những tinh hoa văn hóa của mọi thời đại, lưu truyền những giá trị tốt đẹp của con người, thế nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu hết những giá trị ấy. Nhằm giúp cho giáo viên, giảng viên, học sinh có thêm nhiều thông tin hữu ích và cơ hội cùng bàn luận về Văn học, sáng nay, ngày 19/06/2022, trường Ngoại Ngữ - Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân cùng trường THPT Thái Phiên - Quảng Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học: “Văn học - Thực tiễn dạy học và ứng dụng”.

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả:

- PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam.

- TS. Nguyễn Phương Khánh - Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

- TS. Trần Thị Ánh Nguyệt - Khoa KHXH & Nhân văn, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.

Cùng với sự dẫn dắt của TS. Hoàng Thị Hường - Trưởng Khoa KHXH & Nhân văn, Phó HT Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Và sự có mặt của quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh đến từ nhiều trường THPT, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Với mong muốn mang văn học đến gần với các bạn học sinh hơn, TS. Đoàn Thanh Liêm - Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, Thăng Bình, Quảng Nam đã nỗ lực trong việc kết nối cùng với Đại học Duy Tân để phối hợp tổ chức buổi tọa đàm đầy ý nghĩa này. 

Chia sẻ về Văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp có đôi lời: “Học Văn là để người gần người hơn, để không sa vào những cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc đời, và để biết đối nhân xử thế. Trong thời đại bây giờ, chủ thể phải là học trò chứ không phải thầy giáo. Thầy giáo nên là người tổ chức để học trò có thể phát biểu, trình bày quan ý của mình”. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã chia sẻ rất nhiều kiến thức hay và bổ ích. Từng câu từ của Thầy đã chạm đến trái tim của quý vị tham dự buổi Tọa đàm. Với Thầy, “giá trị của Văn học bây giờ phải mang ý nghĩa văn hóa, phải đặt ra các câu hỏi của thời đại, phải tự vấn và đối thoại với những vấn đề đang diễn ra”.

Phát biểu về Văn chương, cụ thể hơn là về khối ngành Ngữ Văn, TS. Nguyễn Phương Khánh cũng tâm sự: “Chúng tôi không phải lo việc thiếu thí sinh đăng ký vào Khoa Ngữ Văn của trường [...] Là sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn nhưng phải có một tư duy khởi nghiệp”. Bởi nếu Văn được giảng dạy theo một lối tư duy “cũ”, truyền thống, học sinh sẽ rất dễ nản và khó có thể tiếp thu một cách hiệu quả. Tuy vậy, dù là đổi mới về cách giảng dạy, nhưng vẫn phải phù hợp và chính xác. Một giáo viên dạy hay là một người “khởi nghiệp” thành công.

Với TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, “Ở chương trình bậc Đại học, Văn học được giảng dạy là để định hướng con người, giúp sinh viên có thể định hướng đúng đường đi, những sự lựa chọn của mình”. Cô chia sẻ thêm: “Đại học Duy Tân đang làm rất tốt công việc này, chúng tôi đưa Văn học vào thực tế và cùng các bạn sinh viên nghiên cứu, bàn luận về một hay nhiều vấn đề Văn học”. Cô cũng là giảng viên đã và đang hướng dẫn các bạn sinh viên làm Nghiên cứu Khoa học, trong đó, chuyên đề nghiên cứu - hướng dẫn của cô đã từng đạt được những giải thưởng cao quý, uy tín.

Tiếp nối buổi Tọa đàm, quý thầy cô và học sinh đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với diễn giả trên tinh thần cầu tiến, chủ động học hỏi. Thông qua những câu chuyện thực tế và kiến thức chuyên môn, các diễn giả đã giúp người tham dự có cái nhìn rộng mở hơn về Văn học trong những trường văn hóa, trầm tích văn hóa khác nhau. Những lời giải đáp, chia sẻ đầy ý vị của các diễn giả là món quà tinh thần quý giá giúp các bạn học sinh hiểu và yêu hơn những con chữ, những trang sách. Từ đó các bạn có thể định hướng được lối tư duy đúng đắn hơn, cảm sâu hơn về Văn học và biết cách ứng dụng Văn học vào thực tế.

Tọa đàm khoa học: “Văn học - Thực tiễn dạy học và ứng dụng” đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí thân mật và sôi nổi. Thông qua buổi Tọa đàm, quý thầy cô và các bạn học sinh tham dự đã “bỏ túi” được rất nhiều những kiến thức mới, thú vị và sâu sắc hơn về Văn học.

(CLB Báo chí & Truyền thông - JC Chance)