star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Sự hình thành thể loại ngâm khúc trong Văn học Việt Nam


Trong lịch sử văn học Việt Nam thời kì trung đại, giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII-nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn văn học phát triển rực rỡ với những thành tựu trở thành những di sản của văn học Việt Nam. Xét riêng về mặt thể loại, giai đoạn này xuất hiện hàng loạt  thể loại mang tính đặc thù như hát nói, thơ Nôm đường luật, truyện Nôm, đặc biệt là ngâm khúc. Sự ra đời thể loại ngâm khúc chịu sự quy định các yếu tố lịch sử-xã hội; tư tưởng, văn hóa của thời đại sản sinh ra nó. Bài viết này chỉ ra những điều kiện ra đời của thể loại ngâm khúc trong văn học Việt Nam.

In the history of Vietnamese literature, the literary period of the last half of the 18th century and the first half of the nineteenth century was a period that literary has so much achievements, most of all  were the legacy of Vietnamese literature. In term of the type, this period appears a series of specific types such as Hat noi, Nom poety by Duong law, Nom story, especially Ngam khuc type. The fomation of this type has marked of the era clearly. The background of “ngam khuc” type was borne by factors as social-historical, ideology, culture of the period. The following article shows the conditions which created “ngam khuc” type of Vietnamese literature.

Keys: period, type, Ngam khuc, , social-historical, culture

  1. Đặt vấn đề

Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu không thể chối cãi của văn học trung đại, nhất là giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII-nửa đầu thế kỉ XIX. Điều lạ là sự phát triển của văn học lại đi ngược lại với tiến trình của lịch sử. Một chế độ phong kiến với những thiết chế một thời cương tỏa con người thời đại này hầu như không còn tiếng nói uy quyền, bị khuất phục trước một trào lưu nhân văn vì con người cá nhân mà lên tiếng. Đóng góp cho tiếng nói ấy là sự xuất hiện hàng loạt các loại hình văn học như tự sự, trữ tình, kịch và các thể loại như hát nói, thơ Nôm đường luật, truyện Nôm, đặc biệt là thể loại ngâm khúc. Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo của thơ truyền thống Việt Nam, thể loại này đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình phát triển của thơ Việt Nam thời kì trung đại và là một trong ba đỉnh cao của văn học Nôm ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (truyện Nôm, hát nói, ngâm khúc). Đây là thể loại ra đời muộn hơn nhưng đã kịp gặt hái những thành tựu lớn như Chinh phụ ngâm (bản dịch Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn chiêu hồn (Nguyễn Du)…Sự ra đời của thể loại ngâm khúc chịu sự quy định của điều kiện lịch sử xã hội đồng thời chịu sự tác động của những tiền đề văn hóa, văn học trong giai đoạn sản sinh ra nó.

2. Những điều kiện hình thành thể loại ngâm khúc

2.1. Điều kiện lịch sử-xã hội ảnh hưởng tới sự hình thành của thể loại Ngâm khúc

Chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu manh nha từ thời Bắc thuộc và thực sự ra đời khi nước ta giành được độc lập từ tay bọn phong kiến xâm lược Trung Hoa (thế kỉ X). Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là thời kì xây dựng và phát triển cường thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam. Sang thế kỉ XVI-XVII, chế độ phong kiến bắt đầu có dấu hiệu suy thoái, các tập đoàn quân phiệt phong kiến chém giết lẫn nhau, gây ra cảnh “nồi da-xáo thịt” kéo dài hàng thế kỉ. Từ cuối thế kỉ XVIII trở đi, chế độ phong kiến rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Chưa bao giờ chế độ phong kiến Việt Nam, giai cấp phong kiến Việt Nam lại bộc lộ bản chất tiêu cực, phản động của nó một cách trắng trợn, lộ liễu và toàn diện như lúc này trên mọi vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao…

Cùng với sự sụp đổ toàn diện của chế độ phong kiến là sự sụp đổ  của ý thức hệ Nho giáo, rường cột tinh thần của chế độ đã từng giữ địa vị độc tôn trong nhiều thế kỉ trước cũng bị phá sản nghiêm trọng, mọi khuôn vàng thước ngọc từng là “uy lực” chính tỏa thiết con người hoàn toàn sụp đổ. Những ý tưởng thống trị hàng mấy trăm năm bỗng chốc bộc lộ sự giả dối. Những mối quan hệ xã hội vẫn được xem là “nhất thành bất biến” đầy thiêng liêng như quân-thần, phụ-tử, phu-phụ, bằng- hữu, huynh-đệ…tóm lại, mọi thứ luân thường của Nho gia bị sụp đổ thảm hại.

Trước thực trạng suy đồi của luân lí, đạo đức ấy có một hiện tượng khá đặc biệt trong tầng lớp nho sĩ phong kiến đó là sự khủng hoảng về lí tưởng, về “chí nam nhi”.

Giáo lí phong kiến đã vạch ra con đường đi khá rõ ràng cho tầng lớp nho sĩ quý tộc: con đường “tề tu trị bình” (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), để thực hiện mục đích “thượng trí quân, hạ trạch dân” (trên giúp vua đến tột cùng, dưới ban ơn cho dân). Trong những giai đoạn đang lên như Lí, Trần, Lê Sơ, con đường ấy đã góp phần tạo nên chủ nghĩa anh hùng phong kiến có nhiều giá trị tiến bộ và lôi cuốn được những con người có chí khí cao đẹp phò vua giúp nước, lập công danh. Tuy nhiên, “thời đại hoàng kim” của chế độ phong kiến đã trôi vào dĩ vãng, một vài hào quang tái hiện lại từ thắng lợi của Gia Long không phải là màu sắc chủ đạo. Đến thế kỉ XVIII, trừ một số nhân vật ngu trung lỗi thời, hầu hết các danh sĩ của thời đại có tài năng, có hoài bão nhưng đều mang một tâm trạng bế tắc. Họ nói lên sự khủng hoảng về đường đi như trường hợp của Nguyễn Du.

…Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên

Hùng tâm sinh kế lưỡng man nhiên

Xuân lan thu cúc thành hư sự

Hạ thử, đông hàn đoạt thiếu niên…

 (Tạp thi-Thơ chữ Hán)

(Người tráng sĩ bạc đầu đau xót ngẩng nhìn trời, Hoài bão cao xa, sinh kế hàng ngày đều cùng mờ mịt, Cái thú hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu là chuyện hão, Cái oi bức của hè và sự giá rét của ngày đông làm tiêu tan chí khí của tuổi trẻ.)

Hoặc nói lên trường hợp xa lánh công danh, chán chường công danh phú quý xuất phát từ sự bất ổn của địa vị công hầu như trường hợp của Nguyễn Gia Thiều:

…Mùi phú quý dữ làn xa mã

Bã vinh hoa lừa gã công khanh

Giấc Nam Kha khéo bất bình

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không

(Cung oán ngâm)

Tóm lại, tư tưởng triết lí và đạo đức học nho giáo “thiên kinh địa nghĩa” của chế độ phong kiến đã bị xúc phạm, chà đạp. Thực trạng đó dẫn đến tâm trạng bi quan, bế tắc của nho sĩ, tố cáo sự khủng hoảng của ý thức hệ chính thống. Có điều trước kia, gặp hoàn cảnh như thế, nho sĩ sẽ quay về con đường ở ẩn để ít nhất giữ được cái tôi làm bạn với mây, gió, trăng, hoa thì ở thời đại này có những con người đã đi vào con đường tưởng như xa lạ (đối với lí tưởng nhà nho) nhưng thực chất là những con đường đầy ý vị nhân văn-con đường tìm về với dân tộc, với nhân dân.

Như vậy chế độ phong kiến với ý thức hệ nho giáo đã đề cao đạo đức và những thiết chế xã hội khác để ràng buộc con người phải phục tùng nó thì bây giờ những đạo đức, thiết chế ấy không còn hiệu lực nữa. Sự sụp đổ của thiết chế, chính quyền phong kiến và ý thức hệ cùng với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã làm nảy nở trào lưu tư tưởng mang tính nhân văn. Trào lưu này đứng về phía con người, đòi quyền lợi cho con người.

Nét đặc trưng cơ bản của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII-nửa đầu thế kỉ XIIX là sự phát hiện ra con người- con người cá nhân bắt đầu có ý thức về bản thân như là sự kết tinh của các giá trị vẻ đẹp, tài năng…và tiến tới sự ý thức quyền con người mà trước hết là quyền lợi mang tính tự nhiên như được tồn tại, được yêu đương, được mưu cầu hạnh phúc.

Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội

Cũng dập dìu chẳng vội phân trương

Chẳng xem chim én trên rường

Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau

Ấy loài vật tình duyên còn thế

Sao kiếp người nỡ để này đây

 (Chinh phụ ngâm)

Hoặc:

Cùng nhau một giấc hoành môn

Lau nhau ríu rít cò con cũng tình

(Cung oán ngâm)

Tuy vậy, nguyện vọng cấp thiết của họ vẫn là nguyện vọng giải phóng tình cảm. Tình yêu trở thành đề tài chủ yếu, nội dung chủ yếu trong các tác phẩm. Họ yêu nhau với một tình cảm tha thiết, cùng nhau bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Có thể nói con người cá nhân (tất nhiên không phải là cá nhân tư sản) của thời đại đã thể hiện những mối quan tâm mới. Đó là đời sống trần tục, vận mạng con người và tình yêu hạnh phúc của nó theo một quan niệm hạnh phúc mới mẻ. Do đó văn học thời kì này đã xuất hiện một nội dung mới tương ứng với tâm trạng của thời đại. Con người nuối tiếc than vãn triền miên trong những suy tư dằn vặt đau khổ. Nội dung luôn là nội dung của hình thức và ngược lại, hình thức luôn là hình thức của nội dung. Do đó tất yếu sẽ xuất hiện một hình thức mới để phù hợp với nội dung văn học thời kì này đề ra. Các thể loại văn học truyền thống không còn khả năng và không thích hợp để diễn tả nội dung vừa mới mẻ vừa phức tạp này. Và thế là người ta đã sáng tạo ra các thể loại văn học mới đó là truyện Nôm và Ngâm khúc.

Ngâm khúc- một thể loại trữ tình vừa có khả năng chở tải một dung lượng tình cảm lớn vừa biểu hiện được sắc thái tình cảm đó và phù hợp với yêu cầu rộng rãi của quần chúng. Ngâm tập trung vào việc mô tả con người cá nhân riêng lẻ mà số phận của nó do bức tranh toàn cảnh xã hội rộng lớn được phản ánh trong tác phẩm quy định. Nó là bản độc thoại của nhân vật trữ tình bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của mình. Vì thế, đề tài trong các khúc ngâm thường là những bi kịch về tâm trạng: một đôi vợ chồng trẻ đang sống yên ấm hạnh phúc thì chiến tranh bùng nổ, người chồng phải ra trận rồi biền biệt không về, người vợ ở nhà mòn mỏi trông đợi nỗi niềm cô đơn sầu muộn, nhớ thương như lớp sóng dồi ngày đêm vỗ vào lòng nàng (Chinh phụ ngâm). Một cung nữ trẻ đẹp, những ngày đầu vào cung được vua chúa yêu chiều nhưng sau bị ruồng bỏ. Từ trong thâm cung lạnh lẽo, nàng hồi tưởng lại quá khứ và cất tiếng oán than cho số phận bạc bẽo của mình (Cung oán ngâm). Một hoàng hậu trẻ, chồng là một nhà vua anh minh, một anh hùng dân tộc tài năng và đức độ, nàng ao ước sẽ cùng chổng “trập trùng gối hạc”, nào hay sông cạn, bể vùi, chồng nàng chết đang lúc tuổi còn rất trẻ, để lại cho nàng hai đứa con dại. Nàng thương chồng muốn chết theo nhưng nghĩ đến con dại không nỡ chết. Thế là nàng phải sống tiếp trong một tâm trạng đau thương buồn khổ (Ai tư vãn)

Những điều vừa trình bày ở trên cho thấy ngâm khúc ra đời do nhu cầu bức thiết của thời đại và một trong những yếu tố quyết định sự ra đời đó là do tác động của điều kiện lịch sử xã hội. Nhưng chỉ một điều lịch sử xã hội thì chưa đủ. Để Ngâm khúc tồn tại như một thể loại hoàn chỉnh thì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như điều kiện về văn hóa, văn học cùng là sự sáng tạo của người nghệ sĩ, đặc biệt là những người mở đường.

Tài liệu tham khảo

[1] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam-Hình thức và thể loại, NXB KHXH;

[2] Đặng Thai Mai (1992), Giảng văn Chinh phụ ngâm-NXB Đại học sư phạm

[3] Đặng Thanh Lê (1994), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục;

[4] Nhiều tác giả(2012), Ngữ văn- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, “Ngâm khúc và những đặc điểm cơ bản của thể loại”, NXB Văn học, tr15-24.

 

Ths Bùi Thị Kim Phượng