star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và quan niệm sáng tác


Vài nét về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976. Quê quán tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Chị lại sinh ở Bạc Liêu, vùng đất có rừng bần lấp loáng sáng trăng những đêm rằm trong trẻo. Một năm sau ngày thống nhất đất nước, lúc bốn tuổi, Tư về với Cà Mau nhưng không sống gần ba mẹ như anh chị của mình mà gắn bó với ông ngoại. Năm Tư học lớp mười, ông đau nặng, cô phải nghỉ học để hàng ngày lo thuốc thang chăm sóc. Mặc dù, Tư vốn là học sinh giỏi văn của trường Phan Ngọc Hiển lúc bấy giờ. Sau đó  cô xin được một chân làm văn thư cho tạp chí Bán đảo Cà Mau, bắt đầu mưu sinh cho mình và cũng là lúc cô vừa làm vừa học để tốt nghiệp phổ thông ,vừa tập tành “sáng tác”. Khoảng gần mười năm Tư đã có thành công bước đầu với giải nhất văn học tuổi hai mươi (2000) với tác phẩm Ngọn đèn không tắt. Đây cũng là bước ngoặt trong cuộc đời của chị. Chị lập gia đình. Chồng chị là một chàng trai kiệm lời, hiền lành và chưa bao giờ đọc tác phẩm của vợ viết, nhưng anh chính là chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống gia đình nhỏ ấy và là niềm hạnh phúc của Tư. Bởi không bận tâm về chuyện có hay không sự chia xẻ của chồng trong công việc, Ngọc Tư cho rằng: “Nếu không phải là một người am hiểu thật sự về văn chương thì một người chồng chỉ cần biết vợ, thương con như vậy đã là niềm mơ ước”. Hằng ngày, Tư đều đặn lo toan công việc nội trợ của một người phụ nữ và tự sắp xếp thời gian cho “riêng mình sáng tác”. Chiếc bàn vi tính đặt ở góc trái gian nhà sát phòng ngủ và nhà bếp, chính là sắp xếp hợp lý nhất cho công việc “hai trong một” của cô. Ngưng tay gõ bàn phím là chị lao vào bếp núc ... Rồi sau đó, lại tất tả đến cơ quan. Công việc biên tập viên trang thiếu nhi tạp chí Bán đảo Cà Mau thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau (xuất bản hai tháng một kỳ) không quá bận rộn đã giúp cho chị có nhiều thời gian để viết. Song quả thực như có lúc chị đã tâm sự: “Ngay cả chính tôi nhiều lúc không biết vì sao mình có thể làm được như vậy. Đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng riết rồi quen.” [61].  Hàng loạt tác phẩm dung dị về miền sông nước và tập Cánh đồng bất tận ra đời (2005) như một thành quả xứng đáng cho chị. Hiện nay, chị đã hoàn thành khóa học tại chức Đại học Ngoại ngữ (ngành Anh văn) và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mặc dù vậy, nhịp sống cùng chồng và cậu con trai ở mái ấm của khu phố nghèo phường 1 thành phố Cà Mau vẫn không thay đổi. Ngôi nhà số 43 của vợ chồng Ngọc Tư nằm doi ra phía sông Đắc Thủ, suốt ngày nghe tiếng máy tàu bè liên tục ra vào Cà Mau “ăn hàng”. Từ sáng đến tối, tiếng ơi ới của người mua bán trên chợ trước nhà, tiếng còi tàu giục gióng giả từng hồi phía sau, rồi tiếng gò, mài, xi mạ nữ trang của chồng cùng hai người thợ làm công ở gian trước, đã trở thành một thứ âm thanh quen thuộc khi cô ngồi vào bàn viết. Có thay đổi chăng chính là việc “Tư nhẹ nhàng báo tin ... cô sẽ chính thức thôi việc ở Hội văn nghệ Tỉnh. Vẫn sống ở Cà Mau nhưng làm một việc gì đó khác ở Hồ Chí Minh” như lời tâm sự của nhà văn Nguyên Ngọc.

Dù đã “khuấy động” văn đàn Việt Nam năm 2005 bằng tác phẩm ám ảnh lòng người nhưng thật sự để  giới thiệu về Nguyễn Ngọc Tư quả là không dễ bởi dường như chị rất kiệm lời, luôn “xấu hổ” khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách của mình và thường “từ chối” lời đề nghị viếng thăm nhà của nhiều người. Song không thể không nhận ra bóng dáng, dấu ấn của cuộc sống đời tư trên trang viết của chị.

Như đã giới thiệu, Tư từ Bạc Liêu về Cà Mau, tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn của chị gắn liền mảnh đất, luống cần, mồng tơi, chị phải nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn khi đang học lớp 10. Có lẽ, từ chính những ngày “vào đời sớm” mà Nguyễn Ngọc Tư đã tìm đến văn chương như một sự giải tỏa. Nguyễn Ngọc Tư tâm sự “Tư viết về nhiều thứ lắm, phần vì sự thôi thúc thể hiện những cảm xúc dồn nén bên trong, phần vì buồn quá không biết nói chuyện cùng ai nên tìm cách trút vào trang viết chứ chưa dám nghĩ sẽ được đăng mà kiếm cơm bằng nhuận bút”. Con người văn chương và con người đời thường của Tư chẳng có sự khác biệt là mấy. Viết gần gũi như chính đời thường, ăn nói, dáng dấp giản dị của chị. Chị từng bộc bạch rất muốn được tiếp cận với nhiều trường phái, xu hướng mới nhưng ở quê chị sách vở quá ít ỏi, nên sự bồi đắp cho nghề văn của chị thường là “tự nó đến”, tuổi đời càng lớn thì vốn tích lũy càng nhiều. Cảnh người, cảnh đời, ngôn ngữ đời sống bình dị hằng ngày cứ thế ùa vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư và chị viết về quan hệ, về những phận đời người nông dân Nam Bộ, về tình yêu, về nỗi đau và cả về những khát vọng ... như cuộc đời vốn có. Về Cà Mau, “quấn hết chân tay mình mẩy vào cuộc đất này như đôi tình nhân nguyện thề từ muôn vạn kiếp” nên trang văn của Nguyễn Ngọc Tư đều đi thẳng vào lòng người đọc vì chị đang tập sống, nghe, nhìn, trải lòng với miền quê của mình. Thủng thẳng, nhỏ nhẹ như người con gái quê vừa hái rau muống vừa kể chuyện, những câu chuyện lúc da diết, lúc hóm hỉnh.

Nếu như ở truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư chưa mạnh dạn chạm nhiều đến “kinh tế, chính trị” thì ở tạp văn của chị đã có sự kết hợp rõ nét giữa văn và báo, tác giả bộc lộ cái nhìn của mình về hiện thực cuộc sống với lối viết không đanh,  không sắc nhưng mà sâu, đọng, day dứt. “Tôi đi học xa, chiều thứ bảy về nhà bắt ốc. Cả nhà bắt ốc, cả xóm bắt ốc, cả tỉnh bắt ốc. Lúc sức trẻ tôi rệu rạo thì má tôi vẫn chăm chăm từng con ốc theo mỗi bước chân  thụt lút dưới sình ... phải lượm lại ốc để gieo sạ đợt hai ... Má già sọp như trăm ngày góp lại ... Mắt tôi nhức, rụng xuống những giọt nước mắt trong và mặn ...”. Đó là những lời văn về cái khổ của người nông dân trước dịch ốc bươu vàng trong Mơ thấy mùa đang tới. Văn gắn bó với đời sống, chân chất, kể chuyện linh hoạt tự nhiên, cách nói thật hiền hòa, dù động đến “cái ác, cái xấu” hay đi sâu vào “cái thiện, cái đẹp” vẫn thật bình dị và dễ hiểu. Đi vào thế giới Tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư mới thấu hiểu được thực trạng phũ phàng cay đắng của người dân quê và một trời một biển tình thương cùng sự gắn bó của họ với đất. Tùy bút và tạp văn của Ngọc Tư là những tâm tình vô cùng nồng nàn thắm thiết về phong tục và con người đất Cà Mau. Ngỡ như bất cứ cái gì Tư cũng viết thành truyện được, những câu chuyện bình thường về những điều bình thường của những người bình thường ở cuộc sống quanh chị.

Trở về với những truyện ngắn của chị, có một yếu tố không thể thiếu được trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là không gian sông nước. Sông nước tứ phía, tứ bề! Quả là chỗ nào cũng đọng nước, ngó chỗ nào cũng thấy sông. Nước là nền, sông là dòng cho ngòi bút của Ngọc Tư triền miên tuôn chảy, cuốn theo những chữ nghĩa đầy ắp tình người như phù sa màu mỡ. Sinh đẻ ở một Hậu Giang, gắn bó với đất Cà Mau như chị thì cũng không thể nào khác hơn được. Không gian của một mũi phù sa nôn nả lấn tràn ra biển Thái Bình, tận cùng phương Nam đất nước, lúc nào cũng lồng lộng gió ấy quả thật mênh mông, vừa buồn bã vừa gợi lên những cảm giác đầy e dè. Cái mênh mông đến hoang hoải của sông nước như gợi người ta xích lại gần nhau. Phải vậy chăng, xuyên suốt chặng đường  văn chương của Ngọc Tư, ta gặp lại cái tình đậm đà của người Hậu Giang, gặp lại cách cư xử ân cần, gặp lại tính cách phóng khoáng của người miệt sông nước, gặp lại cái không khí quen thuộc ... Dường như sống giữa bao la trời biển này, người ta phải học cách thương nhau để khỏi cô độc. Và cả những nỗi buồn. Buồn vì hoàn cảnh khắc nghiệt, éo le. Buồn vì những đổi thay khiến cho con người nơi đây vơi bớt lòng tử tế, vơi bớt đi cái tính tình chân chất và lòng tin cậy nguyên thủy. Cái buồn man mác dàn trải trên khắp các truyện. Buồn song vẫn thương lạ bởi những điều ấy “rất xã hội” nhưng xã hội một cách “rất văn học”.

Căn nhà nhỏ bên dòng sông luôn “là nỗi lo” của cả hai vợ chồng khi hằng đêm nghe còi tàu lúc inh ỏi lại bừng tỉnh giấc, chạy ào từ trên gác xuống vì sợ bị tàu đâm, nhưng biết đâu chính cái “địa thế” không an toàn ấy đã cho Tư cái nhìn thật sự sinh động, chân thực về cuộc sống người dân miệt sông nước và là một điểm nhìn trực quan để chị gửi lên những trang viết như vắt từ yêu thương của lòng mình. Chợ trước nhà, máy tàu bình bịch chạy qua chạy lại sau lưng, Tư ngồi viết - viết giữa những âm thanh quen thuộc “rất đời”. Ta chợt liên tưởng đến lời của nhân vật Điền trong truyện “Trăng sáng” (1943) của Nam Cao, khi khẳng định người cầm bút không nên trốn tránh sự thực, mà hãy “ ... mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”. Dù hữu ý hay do “hoàn cảnh”, không gian ấy, mảnh đất ấy, ngôi nhà ấy đã góp hồn vào những dòng chữ của Ngọc Tư. Có lần Tư đã tâm sự: “Quần quật như thế (lo công việc gia đình) vẫn không cực bằng việc đầu óc không bao giờ thanh thản, khổ nhất là đi đâu, nhìn thấy gì cũng phải để ý, ghi nhận vào trong bộ nhớ làm chất liệu”. Và hành trình  từ Cà Mau về tòa soạn Sài Gòn “những bốn đến năm tiếng đồng hồ ngồi xe với không biết mấy bận say xe” thật mệt mỏi cho thân gái dặm trường đã sinh thành những tác phẩm đọc thấm thía. Nguyễn Ngọc Tư: “chân thành cảm ơn những cuộc đi xa, phải hay muốn, nó làm cho tôi biết nhớ nhà, ờ, miễn là cái - nhà - của - mình, thôi thì, sao cũng được” [57, tr.63]. Ở một vùng đất heo hút nào đó, nửa đêm thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng con chim kêu thảng thốt, gió ngào ngạt hương hoa bưởi hoa cau, tôi nhớ tổ ấm của mình. Trong thâm tâm mỗi người, ai cũng thiết tha có được “một mái nhà”. Đó là điều chắc chắn. Tình người, tình quê và chút tình riêng đan xen hòa quyện làm lay động lòng người, gấp sách lại vẫn còn vương vấn hình ảnh của đất và người Nam Bộ.

Ths. Bùi Thị Kim Phượng

  1. Bùi Thị Ngọc Ánh (2007), Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHSP Hà Nội.
  2. Tâm An (2008), “Nguyễn Ngọc Tư của những cơn gió lẻ”, Tuanvietnam.net (20/9)
  3. Vũ Tuấn Anh (1991), “Tư duy nghiên cứu văn học hiện đại trước yêu cầu đổi mới”, Tạp chí văn học, số 5, tr.6 - 9
  4. Lại Nguyên Ân (1984), Văn học và phê bình, Nxb Tác Phẩm  Mới, Hội Nhà văn Việt Nam.
  5. Lê Huy Bắc (2005), Truyện ngắn lý luận tác giả và tác phẩm (1 - 2),          Nxb Giáo dục.
  6. Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975 - 1995 những điểm mới cơ bản, Nxb Giáo dục.
  7. Nguyễn Thị Bình (2008), Một số khuynh hướng tiểu thuyết nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp Bộ.