star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp- một “hiện tượng” đặc biệt trong nền Văn học việt nam đương đại


Trên hành trình đổi mới văn học Việt Nam từ sau 1975, Nguyễn Huy Thiệp là người đến sau, nhưng những tác phẩm của ông đã được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Nhiều tác phẩm của ông đã gây ra không ít những cuộc tranh luận cho giới nghiên cứu. Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, ở chủ đề và đề tài nào ông cũng đạt được thành tựu nhất định. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết và nhiều bút ký và phê bình văn học,…Nguyễn Huy Thiệp đã là một “hiện tượng” đặc biệt, một nhà văn tên tuổi trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, dù là truyện mang màu sắc huyền thoại, kì ảo, hay những truyện miêu tả hiện thực “trần trụi”, “tàn nhẫn”, người ta vẫn nhận thấy niềm tin, cũng như khát vọng đi tìm cái Thiện, cái Đẹp, niềm tin mang tính nguyên sơ, hồn hậu của dân gian: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”…như những “hòn than đỏ ủ nóng” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Về cơ bản có thể tạm thời phân truyện ngắn của ông theo các mảng đề tài sau:

- Truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích", lịch sử, văn học : Chùm 10 truyện: Những ngọn gió Hua Tát, bộ ba Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút Thoáng Xuân Hương, Con Gái Thủy Thần, Giọt Máu, Muối Của Rừng, Chảy Ði Sông Ơi, Trương Chi,…

- Về xã hội VN đương đại: Không Có Vua, Tướng Về Hưu, Cún, Sang Sông, Tội Ác và Trừng Phạt,…

- Về đồng quê và những người dân lao động: Thương Nhớ Ðồng Quê, Những Bài Học Nông Thôn, Những Người Thợ Xẻ,... Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là:  Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Ðình (hay Quỷ Ở Với Người, dựa theo truyện ngắn Không Có Vua), Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4,…

Khi mới xuất hiện, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây nên một cuộc tranh luận văn học sôi nổi. Về cơ bản những tranh luận về “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp diễn ra theo hai luồng ý kiến chính. Một phía thiên về phản ứng, thậm chí phê phán quyết liệt: “Ngòi bút của anh Thiệp đúng là của hiếm. Của hiếm của một tài năng đồng thời cũng là của hiếm của một bệnh lý, sự vội vã định hình, sự bộc lộ sâu sắc cái tâm lý chủ đạo là chối bỏ và phản kháng, lật đổ và hạ bệ mọi thần tượng” (Mai Ngữ); “xô ngã thần tượng” (Vũ Phan Nguyên); “bắn súng lục vào quá khứ” (Nguyễn Thuý Ái). Có tác giả như Đỗ Văn Khang say mê viết tới bốn bài, lội ngược dòng tìm lời giải đáp cho một định đề tư tưởng: Vì sao văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút,…Những bài viết chủ yếu nhất trong cuộc tranh luận này đã được nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tập hợp trong cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội 2001).

Chỉ trong năm 1989 thôi, khi truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp được xuất bản, tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn, kéo theo nhiều cuộc tọa đàm, tranh cãi và đến nay vẫn được coi là một trong những sáng tác lớn, mở đầu cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Kể từ khi xuất hiện, Tướng về hưu đã gây một tiếng vang lớn, không chỉ bởi nội dung câu chuyện, mà còn bởi nghệ thuật xây dựng của nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp đã rất thành công khi sử dụng một lối kể chuyện giản dị. Phong cách thể hiện truyện ngắn giống như cách bố cục của một họa sỹ tài ba, xếp đặt những mảng, những khối khác nhau bên cạnh nhau theo một trật tự nhất định. Những đoạn ông miêu tả hay kể lại câu chuyện thật ngắn gọn, tiết kiệm từ đến mức tối đa, nhưng đó lại là ngôn ngữ chắt lọc làm nên một lực hấp dẫn làm người đọc vừa say mê vừa choáng váng. Kết cấu của truyện ngắn Tướng về hưu là một kết cấu xâu chuỗi, các mảng khối liên kết với nhau tạo nên một thứ phản ứng dây chuyền khắc sâu vào tâm thức người đọc. Tuy nhiên, sau khi Tướng về hưu được ra mắt độc giả, đã có hàng trăm bài phê bình với 2 xu hướng đối ngược nhau: Người khen thì khen đến cùng, thậm chí có người coi tài năng ông ngang tầm với những nhà văn xuất sắc trên thế giới, người chê thì cũng chê đến cùng, cho ông là xuyên tạc lịch sử, báng bổ thần thánh, đi ngược truyền thống đạo lý của dân tộc.

 Về tạp văn, phê bình, tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, trước hết cần kể đến tập Giăng lưới bắt chim (1988). Cuốn sách là một tập hợp những bài tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu và ghi chú của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đăng rải rác trên các báo và tạp chí trong nước từ năm 1989 đến năm 2009. Năm 2006, cuốn sách này được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về thể loại sách phê bình, tiểu luận.

Gần đây, với sức viết dồi dào, Nguyễn Huy Thiệp đã cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết mới. Đáng ghi nhận phải kể đến Tuổi hai mươi yêu dấu (2002), cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp, một bản thảo từng gây xôn xao dư luận nhưng đến nay vẫn chưa được in tại Việt Nam (tuy đã được dịch và xuất bản tại Pháp). Cuốn tiểu thuyết khiến nhiều độc giả chưa thật hài lòng với phong độ của nhà văn sau nhiều năm vắng bóng. Song sự xuất hiện của nó là cần thiết trong việc tác giả cố gắng thay đổi ngôn ngữ văn học, từ truyện ngắn sang tiểu thuyết. Sau đó là cuốn Võ lâm ngoại sử (2005), tựa như tiểu thuyết võ hiệp chương hồi nhưng viết về tình hình văn học nước nhà trong thế kỉ vừa qua. Gần đây nhất tác giả đã trình làng cuốn Tiểu long nữ (1996), thoạt đầu nghe như tên nhân vật võ hiệp nhưng thực chất là một tiểu thuyết thời sự, nhắm vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Với tinh thần lao động cật lực không mệt mỏi, tác giả đã hoàn thành Tuổi hai mươi yêu dấu trong vòng một tháng, viết xong Tiểu long nữ trong vòng mười lăm ngày, nhưng như ông bộc bạch : Viết nhanh, viết nhiều là nhu cầu của các nhà văn lương thiện, có lương tâm, có "ý thức công dân" (như người ta vẫn nói) hiện nay. Nói một cách khác, viết văn cũng là một công việc tu thân dưỡng tính.

Không chỉ gây xôn xao trên văn đàn trong nước, Nguyễn Huy Thiệp còn là người có công lớn trong việc quảng bá văn học và văn hoá Việt Nam tại Pháp và trong khuôn khổ cộng đồng Pháp ngữ. Năm 1990, bản dịch Tướng về hưu được xuất bản tại Pháp, sau đó là: Trái tim hổ, Sói trả thù, Chuyện tình kể trong đêm mưa, Vàng lửa, Suối nhỏ êm dịu… Ở Italy cho đến nay đã có 3 đầu sách của Nguyễn Huy Thiệp được dịch và xuất bản. Năm 1990, Euro Studio giới thiệu truyện ngắn Tướng về hưu tại thành phố Turin. Sau đó, Nhà xuất bản Obarra phát hành tập Những ngọn gió từ Việt Nam (5 truyện ngắn) và Muối của rừng (7 truyện) của nhà văn. Nhờ đó mà công chúng nước này có điều kiện khám phá nền văn học đương đại, đất nước, con người và những giá trị văn hoá truyền thống nhân văn sâu sắc của Việt Nam. Kết quả cống hiến của Nguyễn Huy Thiệp cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng khi anh liên tiếp nhận được các giải thưởng lớn: Giải thưởng hội nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Pháp, Italy,…

Ngoài sở trường là sáng tác truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn tham gia viết kịch. Tuy nhiên, kịch không phải lĩnh vực được xem là thế mạnh của ông, do đó những sáng tác về kịch của Nguyễn Huy Thiệp là không nhiều. “Nhà osin” được xem là tập kịch đầu tay của ông. Cuốn sách tập hợp ba kịch bản: “Đến bờ bên kia”, “Nhà osin” và “Còn lại tình yêu”. Với Nguyễn Huy Thiệp, mỗi vở kịch như một phản hồi của tâm trạng trước cái thực thực đời sống "nhiều vấn đề", có lúc duy tình, có khi mang hơi hướng nghiệm sinh ước lệ và cũng có lúc giễu nhại như một cách vượt thoát lên trên những mỏi mòn của cuộc sống.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc tìm tòi, cách tân qua từng sáng tác, Nguyễn Huy Thiệp muốn góp phần làm phong phú thêm cho văn học dân tộc. Thực ra không một người cầm bút nào lại không mong muốn làm được điều này. Nhưng không phải ai cũng hiểu và có năng lực khai mở một con đường riêng, biết “ghét” những nhà văn tiền nhiệm đã an vị trên một đỉnh cao, tránh con đường của họ, dám dấn thân, trải nghiệm và trả giá đắt cho mỗi tìm tòi của riêng mình. Xem xét quan niệm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, có thể thấy ông đúng là một nhà văn hiện đại, có thái độ tự giác nghề nghiệp cao. Ông trình bày không mệt mỏi những quan niệm văn chương của mình thông qua các tiểu luận và sáng tác, ông luôn độc đáo khi diến giải bản chất, chức năng của văn chương và lao động khó nhọc của nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp không xa rời truyền thống Chân – Thiện – Mỹ của văn chương nhân loại, ông chỉ giải thích những phẩm chất đó theo cách thức của riêng ông.

Th.S Bùi Thị Kim Phượng