Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, độc đáo, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên đã dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của dân tộc.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giữ gìn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc như thơ ca cổ điển, dân ca, âm nhạc, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc. Người rất thích nghe hát ví phường vải bởi cái độc đáo của ví phường vải là sự kết hợp của dân gian hóa và bác học hóa, được đối đáp với nhau qua thể thơ lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc. Do đó, để hát được ví phường vải hay và xuất sắc phải biểu đạt được cảm xúc mượt mà, giàu sắc thái. Có lần, Người nghe nghệ sĩ Kim Lương hát bài “Gởi anh lính bờ Nam”, Người đã khen Kim Lương hát rất hay những màn biểu diễn mang đậm màu sắc dân ca của dân tộc. Người căn dặn: “Cháu phải biết hát nhiều dân ca của các miền, vì mỗi miền đều có dân ca hay, chẳng những người địa phương đó thích, mà người địa phương khác cũng thích”. Người chỉ bảo trước tiên mình ở địa phương nào thì phải biết hát được dân ca ở địa phương ấy, không những biết hát mà hát thật hay, biết nhiều bài hát dân ca các miền phải học hỏi, học thật tốt sao cho xứng đáng với phát huy văn hóa dân tộc. Người còn nói với các nghệ sĩ là âm nhạc dân tộc nước ta rất độc đáo, có nhiều câu hát dân ca rất hay bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”. Người nhấn mạnh với họa sĩ Thụy Điển Erích Giôhanxôn: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”. Người trân trọng, yêu thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam. Vốn cổ truyền quí báu của dân tộc dù ở miền nào, địa phương nào đều được Người trân trọng và cảm thụ với niềm xúc động sâu sắc. Người tìm thấy ở di sản văn hóa tinh thần một ngọn nguồn, một nền tảng để xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc. Người căn dặn các nghệ sĩ phải giữ gìn và phát huy những cái hay cái đẹp, phải biết quý trọng vốn nghệ thuật dân tộc. Để kế thừa và phát triển vốn dân ca thì phải sáng tác, miêu tả con người, cuộc sống, chiến đấu của nhân dân, phát huy được sức mạnh dân tộc và thống nhất đất nước.
Đối với nghệ thuật tuồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khen mà còn chỉ dẫn những người làm nghệ thuật tuồng không được giậm chân tại chỗ, phải biết cải biên, sáng tạo, cách tân, cách nói và truyền tải được nội dung mới bổ sung được cho nhau để các thế hệ sau tiếp nối. Khi xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng tại Hà Nội, Người phát biểu: “Nghệ thuật tuồng hay đấy! Nhưng phải phát triển, đừng giậm chân tại chỗ, chớ gieo vừng ra ngô”. Người căn dặn ngắn gọn và sâu sắc, không chỉ dành riêng cho nghệ thuật tuồng mà còn cả các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, mỗi nghệ thuật đều có cái hay và độc đáo riêng. Đây là sản phẩm của văn hóa dân tộc. Do đó việc giữ gìn, kế thừa và phát huy cần phải giữ lại được cái hay, cải tiến được hình thức và nội dung, có kế hoạch cụ thể và loại bỏ những cái chưa phù hợp mới phục vụ được nhu cầu của quần chúng nhân dân. Đến nay nghệ thuật tuồng, chèo đã có nhiều cố gắng thay đổi về hình thức, nội dung phong phú đã xây dựng được nhiều đề tài lịch sử và giữ được bản sắc của dân tộc.
Khi đón khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mời các đoàn tuồng, chèo hay dân ca biểu diễn để phục vụ khách, đồng thời Người giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Trong dịp lễ tết hay đi thăm các đoàn văn công Người thường hay tặng kẹo cho các nghệ sĩ, hỏi thăm sức khỏe, động viên các anh chị em nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn tốt hơn để phục vụ nghệ thuật, phục vụ đất nước góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đây là nguồn sức mạnh và động lực để xây dựng một xã hội mới góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của nhân loại.
Người cũng rất quan tâm đến các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam, trước hết biểu hiện ở thái độ trân trọng, khẳng định được vai trò và sức sáng tạo, giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc trong lịch sử, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ. Người chỉ ra những sáng tác văn học có tác phẩm hay là phải diễn đạt cho mọi người hiểu và suy ngẫm về tác phẩm đó chứ không phải cứ viết tác phẩm văn học dài là mới hay. Người đánh giá cao các sáng tác của nhân dân, coi những sáng tác của nhân dân là những hòn ngọc quý. Ngoài ra, Người phê phán một số tác phẩm không đi sâu vào đời sống thực tiễn như cách viết thường ba hoa, dây cà, dây muống. Người yêu cầu các tác phẩm văn học phải bám sát đời sống con người, những lời ca tụng chân thật để làm gương và giáo dục cho con cháu ta đời sau.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu của Đảng và nhân dân trong việc nhận thức và giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội”, “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội”. Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm sự bền vững và bảo vệ vững chắc của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
----------------------------------------------------------------------------------------
TRỊNH ĐÌNH THANH
Bộ môn Lý Luận Chính Trị