Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vấn đề đoàn kết tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo gồm đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa đồng bào trong cùng tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn Việt Nam và sự nhìn nhận giá trị nhân văn, tốt đẹp của tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những tư tưởng về xây dựng khối đoàn kết tôn giáo, mà chính Người còn là tấm gương, là ngọn cờ quy tụ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có chức sắc và đồng bào các tôn giáo. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch cùng với xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, còn triệt để xuyên tạc tư tưởng của Người về đoàn kết tôn giáo. Do đó, việc tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc cũng như đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về lĩnh vực này chính là góp phần bảo vệ những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong vấn đề thứ sáu, Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.
Người kêu gọi toàn dân, lương và giáo xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tư tưởng: đoàn kết lương giáo, chủ trương “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi”. Trong “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam”(8-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”
Mục tiêu đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí Minh là nhằm đạt ước vọng mà cả cuộc đời Người hy sinh phấn đấu để thực hiện, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi sự nô dịch, áp bức, bất công. Người cho rằng, dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào các tôn giáo đều bị áp bức, bóc lột nặng nề, khi Tổ quốc bị ngoại bang đô hộ thì các tôn giáo cũng không được tự do. Vì vậy, đồng bào các tôn giáo cần đoàn kết lại và đoàn kết với toàn dân đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc và tự do cho tôn giáo.
Ngày 13/9/1945, Hồ Chí Minh đã có cuộc họp mặt với đại biểu các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao đài tại thủ đô Hà Nội, Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”. Người kêu gọi các tôn giáo hãy dẹp bỏ hiềm khích, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà. Độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho toàn dân là mẫu số chung để đoàn kết mọi người, không kể lương hay giáo, có đạo hay không có đạo, cũng như có tín ngưỡng khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Để đoàn kết lương giáo, Người luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải: “Quan tâm, chăm sóc cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo. Mong sao sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”.
Măc dù thế giới quan, nhân sinh quan giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội có nhiều điểm khác biệt. Thế nhưng rất ít khi Hồ Chí Minh nói về sự khác nhau giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, Người chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã nhận thấy trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng của những người sáng lập ra nó chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn. Xét cho cùng thì tất cả các tôn giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc: Kinh chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Theo quan niệm của Người, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo.
Để hiện thực hóa đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 3 nguyên tắc cụ thể trong thực hiện chính sách tôn giáo:
Thứ nhất, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung. Nguyên tắc này dựa trên phương châm: “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết” và “tất cả do con người, tất cả vì con người”. Lợi ích của từng tôn giáo gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc, muốn đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Vì đây là lợi ích của cả cộng đồng, trong đó có lợi ích sống còn của các tôn giáo.
Thứ hai, không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nhiều đến việc chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước.
Thứ ba, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để có thể đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Bởi, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng một yêu cầu về tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
Có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc khai thác các giá trị nhân bản có trong các tôn giáo, coi đó là điểm tương đồng với đạo đức, truyền thống dân tộc để thu hút tập hợp và xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Người ca ngợi tấm lòng bác ái cao cả của Chúa Giêsu, tinh thần đại từ, đại bi cứu độ chúng sinh của Đức Phật Thích Ca và tấm lòng nhân nghĩa của Khổng Tử. Đồng thời, Người khẳng định: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau. Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Có lẽ chính vì vậy, một nhà báo phương Tây đã viết: “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.
Qua thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những di sản quý giá, trong đó có tư tưởng của Người về tôn giáo. Tư tưởng của Người về tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, cho đến ngày nay tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị./.
Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên bộ môn LLCT