star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đối mới quá trình giáo dục và tự rèn luyện đạo đức cách mạng cho sinh viên Đại học Duy Tân trong giai đoạn hiện nay


Đối mới quá trình giáo dục và tự rèn luyện đạo đức là vấn đề quan trọng hàng đầu để phát triển đạo đức cách mạng cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Nhân cách sinh viên trong thời kỳ mới không tự phát hình thành, phát triển mà phải thông qua hoạt động giáo dục đào tạo một cách tích cực chủ động, trong đó giáo dục giữ vai trò rất quan trọng. Đạo đức của sinh viên cũng cần phải thông qua giáo dục mà hình thành và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Để giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường phải thường xuyên tăng cường đổi mới chất lượng công tác giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức cách mạng nói riêng cho họ. Chỉ có như vậy mới phát triển toàn diện nhân cách cho họ. Nghị quyết Trung ương 2 (Khoá VIII) của Đảng đã khẳng định: Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất  nước.
Nội dung giáo dục phải thiết thực, cụ thể, tránh khuôn mẫu, máy móc; giáo dục các phẩm chất đạo đức cách mạng như cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đi liền với giáo dục nâng cao ý thức ở mỗi sinh viên chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức tập thể; đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng vàng càng luyện càng trong.
Khi giáo dục đạo đức cách mạng cần phải tạo ra được dư luận trong tập thể, đề cao đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải quán triệt sâu sắc cho người học thấy rằng giáo dục đạo đức cách mạng là nhiệm vụ rất khó khăn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách; phải nhận thức được rằng giáo dục đạo đức cách mạng phải trên cơ sở kế thừa những giá trị đức truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống “trung với nước, hiếu với dân” của người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. 
Vấn đề cốt lõi trong đổi mới nội dung giáo dục đạo đức cách mạng là phải giữ vững nguyên tắc kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, bảo đảm phương châm cơ bản, hệ thống, thống nhất nhằm “chuyển hoá” những nguyên lý, lý luận đạo đức cách mạng vào ý thức, hành vi đạo đức của mỗi sinh viên. Việc đổi mới nội dung phải đi đôi với đổi mới phương pháp, hình thức: như thông qua học tập chương trình chính khoá theo kế hoạch của phòng Đào tạo, thông qua các buổi học dã ngoại ở các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà nẵng. Phương pháp, hình thức giáo dục là một khâu, một mắt xích quan trọng trong dây chuyền giáo dục sinh viên ở Nhà trường. Việc đổi mới phương pháp, hình thức phải nhằm vào việc, chủ thể giáo dục không ngừng tăng cường kích thích tính tích cực, tự giác của khách thể giáo dục, nâng cao hiệu quả quá tình giáo dục.
Đạo đức cách mạng là sản phẩm của giáo dục nhưng kết quả của giáo dục chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được chuyển hoá thành tự giáo dục của chủ thể đạo đức là sinh viên. Khả năng tiếp nhận tự giáo dục của con người càng được nâng cao bao nhiêu thì họ càng sớm hoàn thiện nhân cách bấy nhiêu. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã nói : “Đạo đức không tự nhiên mà có. Đạo đức có được thông qua đấu tranh , thông qua giáo dục, tự giáo dục, trong đó tự giáo dục rèn luyện là điều khó nhất”.
Vì vậy, để phát triển nâng cao đạo đức cách mạng cho sinh viên ngoài yếu tố giáo dục thì tự giáo dục là yêú tố quyết định trực tiếp. Tự giáo dục nói chung, tự giáo dục đạo đức nói riêng là hoạt động tích cực tự giác, chủ động có hệ thống của mỗi con người nhằm rèn luyện và hoàn thiện những phẩm chất tốt, khắc phục những thói hư tật xấu của mỗi con người. Đó là một quá trình tự phát triển, tự phấn đấu với tinh thần tự giác, chủ động, tích cực để hình thành, phát triển những phẩm chất, những năng lực của chủ thể. Quá trình này cũng là quá trình sinh viên tự nhận thức về chính bản thân mình, tự đánh giá năng lực, ý thức, hành vi đạo đức, tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích ... của mình. Trên cơ sở đó đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu, sinh viên sẽ nhận thức đầy đủ hơn về điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục trong quá trình phát triển nhân cách, đạo đức của họ. Đối với mỗi sinh viên việc tự giáo dục đạo đức phải diễn ra trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại trường và cả công tác sau khi ra trường./. 
Ths. Nguyễn Thị Hải lên – Giảng viên bộ môn LLCT