star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là minh chứng cho dự báo thiên tài của C. Mác


Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) phát triển mạnh mẽ, chứng minh dự báo thiên tài của C.Mác cách đây hơn một trăm năm về những thay đổi khi “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Cuộc cách mạng này có tác động sâu rộng tới nhận thức, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị, quan hệ giữa các dân tộc… tạo ra những cơ hội và những thách thức đối với mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay.
 
Từ quan điểm của C.Mác về vai trò của khoa học, công nghệ (KHCN) trong nền sản xuất xã hội…

Công lao vĩ đại của C.Mác là áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và đã chỉ ra tính quy luật của các biến đổi xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Theo C.Mác, con người muốn tồn tại, trước hết phải lao động sản xuất để tạo ra những vật phẩm nuôi sống mình, sau đó mới đến vấn đề tinh thần, tư tưởng. Trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất, con người đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống tinh thần. Các quan hệ chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo… đều hình thành, biến đổi trên cơ sở sản xuất vật chất. Đi sâu nghiên cứu nền sản xuất xã hội, C.Mác phát hiện ra quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất. Trong lực lượng sản xuất, vai trò của KHCN được thể hiện ở trình độ của người lao động và trình độ của công cụ lao động, là “sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa”. Khi hàm lượng khoa học ngày càng gia tăng trong hai yếu tố này sẽ tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất và do đó thúc đẩy quan hệ sản xuất phát triển phù hợp. Những quan hệ sản xuất hợp thành cơ sở hạ tầng xã hội và đóng vai trò quyết định sự tồn tại, biến đổi của kiến trúc thượng tầng xã hội. Trong Phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, C.Mác viết: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp…”. Theo C.Mác, tri thức (khoa học) đã làm cho tư bản cố định (nhà máy, máy móc, công cụ… được dùng trong sản xuất) chuyển hoá đến mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mức độ đó là khi tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành tư bản cố định và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất. C.Mác nhận định: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định”. C.Mác dự báo: “Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất”. Quan niệm của C.Mác về vai trò của KHCN hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế tri thức và có ý nghĩa phương pháp luận khi nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
… Đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Hannover ở Cộng hòa Liên bang Đức, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra. Từ đó, đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là sự tích hợp về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị; làm thay đổi mạnh mẽ, toàn diện nền kinh tế mỗi quốc gia về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Có thể khái quát một số đặc điểm và tác động chủ yếu:
 
 Một là, sự kết nối tự động trong các khâu của quá trình sản xuất, ra các quyết định tối ưu tự động, có khả năng chỉ huy, điều hành thông minh, tái tạo các nguồn tài nguyên, quản trị rủi ro tối ưu. Đặc trưng phổ biến của cách mạng công nghiệp 4.0 là: (1) Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối in-tơ-nét vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. (3) Công nghệ na-nô và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi. (4) Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn.
 
Hai là, những công nghệ mới sẽ ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, đồng thời cũng thách thức về vai trò thực sự của con người. Những gì đúng ngày hôm nay, ngày mai sẽ không còn tồn tại nữa. Tất cả các mô hình kinh doanh nằm ngoài cuộc cách mạng này sẽ thất bại. Các chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. Công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh nếu không được kiểm soát tốt. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân. Tuy nhiên, sẽ chỉ có lợi cho những người có khả năng thích nghi với sự đổi mới. Nguy cơ cũng có thể gây ra do công nghệ kỹ thuật số thâm nhập vào việc chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội. Sự tương tác này sẽ là cơ hội cho sự hiểu biết liên văn hóa và liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra và tuyên truyền cho những kỳ vọng không thực tế, tạo cơ hội cho những ý tưởng cực đoan và tội lỗi lây lan.
Ba là, tạo ra những bất bình đẳng xã hội mới, nhất là những bất lợi cho người nghèo, lao động có trình độ thấp. Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 xảy ra với bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế, khoảng cách giàu - nghèo nếu không thay đổi cách quản trị xã hội. Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người cùng lúc đứng trước nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Để phát triển, nhà lãnh đạo chính trị, tổ chức xã hội, kinh doanh sẽ phải chủ động thoát khỏi lối mòn với những tư duy và cách làm truyền thống. Họ sẽ phải luôn đặt câu hỏi về mọi thứ, từ ra các quyết định chính trị, xây dựng các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư vào đào tạo nhân lực hay nghiên cứu phát triển. Cuộc cách mạng 4.0 có thể mang lại tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Tài năng, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Thị trường việc làm ngày càng tách biệt, phân đoạn thành “kỹ năng thấp - lương thấp” và “kỹ năng cao - lương cao”, dẫn đến gia tăng căng thẳng về việc làm và thu nhập trong xã hội, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ không chuẩn bị tốt.
 
Bốn là, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các công việc nhà nước, nói lên chính kiến của mình. Chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Nhưng các chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực phải thay đổi để hoạch định và thực hiện chính sách. Tốc độ ra quyết định, phản ứng với các sự kiện cũng cần phải nhanh chóng hơn. Người dân có điều kiện nắm bắt nhiều thông tin đa chiều, được bày tỏ ý kiến và tham gia vào quá trình ra quyết định và xây dựng các luật lệ. Xã hội sẽ ngày càng công khai, minh bạch và dân chủ hơn khi vai trò của người dân ngày càng được nâng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột. Lỗ hổng mới này sẽ dẫn đến những lo ngại mới, thực sự là một nguy cơ đối với nhân loại.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
  Trịnh Đình Thanh
  Gv: Bộ môn Lý luận Chính trị