Xã hội ngày nay đối mặt với rất nhiều vấn đề: thực trạng nghèo đói, bất bình đẳng, định kiến giới,… Các vấn đề ấy len lỏi vào đời sống của con người qua phim ảnh, thơ ca, hội hoạ,… Trong đó, âm nhạc cũng là nơi thể hiện những mối quan tâm xã hội ấy. Âm nhạc không chỉ để giải trí, đó còn là cách mà các nghệ sĩ truyền tải thông điệp của họ về các vấn đề nổi cộm, cấp thiết trong xã hội. Các ca khúc khai thác vấn đề xã hội tuy số lượng không nhiều nhưng vẫn thu hút lượng khán giả trung thành. Giữa hàng loạt bài hát viết về tình yêu, đề tài xã hội trở thành món ăn lạ, giàu chiêm nghiệm, suy tư, xoáy sâu vào trăn trở thường nhật của đời sống con người.
1.“Nấu ăn cho em”-câu chuyện cho đi và còn mãi của nghệ sĩ Đen Vâu
“Nấu ăn cho em” là câu chuyện về hành trình lên vùng cao thăm các em nhỏ tại hai điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sá Tổng (Mường Chà, Điện Biên). Đây là nơi mà Đen và fan đã cùng chung tay xây một điểm trường và góp bữa ăn trưa cho các em có sức đi học tại điểm trường còn lại. Ở địa điểm vùng sâu, vùng xa, con đường đi học của các em học sinh rất gian khó, các thầy cô cũng đang giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn.
Bài hát đã chỉ ra hoàn cảnh khó khăn, tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực của trẻ em vùng cao thông qua hình ảnh những bữa cơm trưa đủ đầy mà dự án “Nuôi em” đem đến cho các em. Trong MV, các em nhỏ được ăn những bữa cơm có đầy đủ rau-thịt-cá, khác hẳn với những bữa ăn cơm trắng chấm muối, hay mèn mén ăn không trước đây. Bên cạnh đó, ta có thể thấy những cung đường ngoằn nghèo, hiểm trở. Đây cũng chính là con đường đi học hàng ngày của các em. Kết thúc MV, tất cả chúng ta đều ấm lòng trước những ánh mắt trong sáng, ngây thơ của các em đang chăm chú nhìn lên những con chữ trên bảng. Những ánh mắt ấy chất chứa hy vọng, niềm tin, khát khao tri thức để thay đổi số phận của trẻ em nghèo vùng cao.
Bài hát “Nấu ăn cho em” lan tỏa thông điệp về lòng tốt của con người, câu chuyện đi tìm con chữ nhiều gian nan nhưng ẩn chứa nhiều điều tươi sáng đã chạm đến trái tim đông đảo công chúng. Với giai điệu dễ thương cùng lời ca đầy chân thành, “Nấu ăn cho em” đã được khán giả yêu thích và đánh giá cao từ khi được ra mắt.
Có thể thấy, bài hát “Nấu ăn cho em” đã nhắc nhở cho chúng ta về tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt về thức ăn, của em nhỏ vùng cao. Đồng thời, ca khúc còn lan toả thông điệp ấm áp về tình người và ước mơ chinh phục tri thức của những trẻ em nơi miền núi khó khăn, hiểm trở.
2.“Sống như những đoá hoa”-Vấn đề bình đẳng về cơ hội của người khuyết tật
Hiện nay, trong một xã hội đầy đủ những cơ hội và thách thức thì vấn đề bình đẳng về cơ hội của người khuyết tật đang được xã hội cũng như nhà nước đặc biệt quan tâm. Không ai sinh ra mà muốn bản thân bị khiếm khuyết cả. Vậy nên, người khuyết tật cũng như bất kỳ ai khác, đều có quyền được tham gia đầy đủ vào cuộc sống và xã hội. Nhưng thực tế cho thấy họ thường đối diện với nhiều rào cản về cơ hội và quyền lợi cơ bản của bản thân, xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực trong họ.
Trong ca khúc “Sống như những đóa hoa” của Tạ Quang Thắng, lời bài hát chất chứa những tâm sự sâu lắng, khát khao của những người khuyết tật không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn ngay từ lúc mới sinh. Nhưng họ đã vươn lên bằng ý chí, nghị lực sống, trở thành những đóa hoa tỏa ngát hương thơm.
“Tôi từng mong đời trôi thật nhanh
Để cho lòng tôi chẳng vương sầu đau
Ngỡ như trên đời thiếu những nụ cười, muộn phiền giăng lối khắp nơi
Tôi từng mong tôi không là tôi, tôi từng mong tôi giống bao người
Để sống thảnh thơi, sống như tôi vẫn mơ”
Bài hát còn truyền tải thông điệp: Cho dù bản thân có nhiều khiếm khuyết, hãy khắc phục nó và hoàn thiện nó mỗi ngày để từ đó trở thành người có ích, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.
“Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời
Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời
Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn
Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi”
Bài hát “Sống như những đoá hoa” đã thể hiện những nỗi niềm, trăn trở của những người khuyết tật – tự ti, mặc cảm, cảm thấy không bình đẳng về cơ hội,…. Từ đó, bài hát truyền tải tất cả mọi người, dù là người khuyết tật hay người bình thường, bài học về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống để khẳng định và kiến tạo giá trị của bản thân.
3. “Bao giờ lấy chồng”-Định kiến xã hội về độ tuổi kết hôn
Cứ mỗi năm Tết đến về quê, có một nỗi lo chung của các chị em phụ nữ độc thân: bị các mẹ, các bà, các dì hỏi thăm khi nào lấy chồng, sinh con. Câu hỏi ấy nghe có vẻ là xuất phát từ sự quan tâm lo lắng, nhưng đằng sau đấy là cả một quan niệm sai lầm làm nên định kiến xã hội: Ở Việt Nam, cứ con gái đến 30 tuổi mà chưa chồng con là bị coi là “ế”.
Xoay quanh câu chuyện của một cô gái độc thân vào dịp Tết, về quê hay bị hỏi “bao giờ lấy chồng?”, bài hát khắc họa hình ảnh một cô gái độc thân vui vẻ, lạc quan, yêu thích làm đẹp và hưởng thụ cuộc sống hết mình. Điều này phản ánh chân thực một bộ phận giới trẻ ngày nay. Họ nhiệt tình với công việc, tôn thờ chủ nghĩa độc thân, sống độc lập, năng động, ham thích khám phá, du lịch trải nghiệm… Họ cảm thấy hài lòng và yêu thích cuộc sống của một cô nàng độc thân vui tính.
Bài hát “Bao giờ lấy chồng” của nhạc sĩ Huỳnh Huyền Năng do ca sĩ Bích Phương thể hiện đã nói lên tiếng lòng của rất nhiều phụ nữ trẻ. Hơn hết, bài hát đề cao tinh thần tự do, tự chủ, mạnh mẽ và độc lâp của người phụ nữ hiện đại, không để định kiến xã hội trói buộc mình.
4.“Thật bất ngờ”-Vấn đề bất ổn trong xã hội
Vấn đề bất ổn trong ngành công nghiệp giải trí, hay còn gọi là “showbiz”, là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, đóng góp một phần quan trọng vào văn hóa và giải trí của chúng ta. Tuy nhiên, sau ánh hào quang nơi sân khấu là những “drama, scandal” đang trở thành tâm điểm cực kì “HOT”, được nhiều người quan tâm. Thế giới của showbiz không phải lúc nào cũng êm đềm và ổn định, mà đó có thể là nơi nảy sinh những bất ổn mà xã hội cần phải bận tâm.
MV mang câu chuyện của một cậu bé bán báo trong một khu phố xinh xắn nhỏ bé cùng bà con khu phố để nói về thế giới rộng lớn ngoài kia, thế giới của một xã hội quá nhiễu loạn, và quá nhiều điều vô lý. Cậu bé bán báo dạo trực tiếp nhìn thấy sự nhốn nháo trong đời sống hàng ngày với bối cảnh khu chung cư cũ tại Hà Nội. Những câu chuyện như cô giáo cung bọ cạp Lê Na, bán hàng đa cấp, hot-boy bán thịt lợn... hiện lên hài hước nhưng cũng đầy tính châm biếm.
Nội dung ca khúc “Thật bất ngờ” nhắm thẳng vào showbiz hiện nay, khi từng ca từ trong bài phơi bày nhiều mặt trái của nghề với những chiêu trò, scandal gây ồn ào trong giới như: chuyện hôn nhân tan rã, lừa gạt tiền bạc, đấu đá, chơi xấu lẫn nhau…
“Thế nên, bây giờ
Điều quan tâm nhất
Là anh kia cặp với chị này
Anh kia lừa dối chị này
Anh kia đập đánh chị này
Và chị ngã xuống đây”
Những mặt trái như việc dùng chiêu trò, tạo scandal để nổi tiếng cho đến chuyện ngoại tình, cặp kè với đại gia của các sao,…thậm chí ngay cả việc một số trang báo mạng, trang tin hiện nay “chạy theo” các thông tin nóng hổi hàng ngày của các sao để giật tít, câu view cũng được đưa vào bài hát một cách nhẹ nhàng.
“Cô ấy
Mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt
Chỉ một xì-căng-đan
Khóc lóc về chuyện tình dở dang
Lên báo hình thì đầy một trang
Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng”
Bài hát cũng phê phán về lối sống hời hợt, a dua, vội vã chạy đua theo phong trào, thiếu suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Bài hát “Thật bất ngờ” của nhạc sĩ trẻ Mew Amazing do ca sĩ Trúc Nhân thể hiện đã phản ánh những bất ổn trong xã hội: Scandal showbiz, ngoại tình, đánh ghen,…. Từ đó phê phán lối sống a dua, hời hợt và thiếu suy nghĩ của một số người hiện nay.
Kết luận lại, sức mạnh của âm nhạc là kết nối, thể hiện cũng như thấu hiểu những khía cạnh đa dạng của xã hội. Những bài hát này không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà thông qua nó người nghệ sĩ muốn thể hiện cảm xúc, ý kiến và phản ánh những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống.
Có thể thấy rằng âm nhạc có thể kích thích suy tư, thúc đẩy thay đổi xã hội và thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng. Qua những giai điệu và lời bài hát, những vấn đề như nghèo đói của trẻ em vùng cao, bình đẳng về cơ hội của người khuyết tật, định kiến xã hội trong hôn nhân và sự bất ổn giới showbiz đều được đề cập và thảo luận. Từ đó, âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà đã trở là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy thay đổi tích cực trong xã hội.
Bùi Thị Kim Phượng