Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, những giá trị đạo đức của thời kỳ cách mạng giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được kế thừa, phát triển. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới nội dung đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên tiếp tục được bổ sung thêm những giá trị mới, những yêu cầu mới. Điều đó được thể hiện rõ ở những quan điểm về đạo đức trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, có thể khái quát ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho hoạt động của Đảng.
Phẩm chất đạo đức đầu tiên của người cộng sản, của Đảng cách mạng dù ở giai đoạn nào, của thời kỳ nào đối với Tổ quốc, với nhân dân vẫn là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, vì mục tiêu, lý tưởng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ vững ý chí và khí tiết của người cộng sản trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay. Luôn giữ vững lập trường giai cấp công nhân, “kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải tận tụy, có trách nhiệm, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là đối với người đứng đầu.
Một người cộng sản chân chính đối với công việc phải tận tụy, làm việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất đối với những nhiệm vụ được giao, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm trong công việc. Không lợi dụng, lạm dụng quyền lực được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là phải “tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày” cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao. Kiên quyết chống những biểu hiện phe cánh, lợi ích nhóm. Giữ gìn kỷ luật, kỷ
cương và thực hiện nêu gương, nhất là đối với người đứng đầu. Trong đó nêu gương vừa là đạo đức của cán bộ, đảng viên, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ ba, đối với mình cần phải “nghiêm”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, “có lòng tự trọng”, phải biết “xấu hổ”, “cắn rứt lương tâm” khi làm sai, làm việc xấu và phải thường xuyên tự phê bình.
Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”....
Thứ tư, đối với người, phải xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, biểu dương những gương sáng về đạo đức.
Trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng giữa xây và chống. Đây là hai quá trình nhưng có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Xây để phòng ngừa sớm những biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống. Chống để xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn những năm qua đòi hỏi chúng ta phải khắc phục được những hạn chế: “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu. … Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và biểu dương những gương sáng, người tốt, việc tốt./.
Th.s Hoàng Thị Kim Oanh –Bộ môn Lý luận Chính trị