Trong những năm qua, thế giới đã có những bước chuyển biến to lớn, mà một trong những yếu tố quyết định đến sự chuyển biến đó là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước bối cảnh mới đó, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục kế thừa, phát triển quan điểm phát triển nguồn nhân lực của Đảng tại các kỳ đại hội trước.
Nhận thức của Đảng về phát triển nguồn nhân lực qua mỗi kỳ Đại hội luôn có bước phát triển và ngày càng trở nên hoàn thiện, sâu sắc hơn. Đặc biệt, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đến XII, Đảng ta đã xác định bên cạnh việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cần phải từng bước phát triển kinh tế tri thức; đồng thời, để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức cần phải phát triển nguồn nhân lực thông qua thực hiện có hiệu quả “quốc sách hàng đầu” là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đến Đại hội XIII, trước tác động to lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, Đảng ta cũng có những nhận thức mới về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta:
Thứ nhất, về những vấn đề đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, thành tựu nổi bật đó là quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên khoảng 54,6 triệu người năm 2020 với cơ cấu hợp lý hơn, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 64% năm 2020; trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% năm 2010 lên 24,5% vào năm 2020.
Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số được triển khai sâu rộng trong hoạt động của cơ quan Đảng, nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, hiệu quả, giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Mặc dù vậy, thách thức còn đến từ quá trình CNH, HĐH bởi trong tiến trình này, lao động chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần tăng cường nhân lực chất lượng cao ở cả 3 nhóm: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật. Mặt khác, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ dẫn tới xu hướng các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào quốc gia của họ trên cơ sở áp dụng công nghệ “nhà máy thông minh”, chứ không đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động. Đây là thách thức lớn, đặc biệt là với các quốc gia có lực lượng lớn lao động tay nghề thấp, đòi hỏi quốc gia đó phải có tầm nhìn chiến lược để thực hiện việc chuyển đổi tư duy về nghề nghiệp, quan hệ hợp đồng, quan hệ lao động cho người lao động.
Thứ hai, khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.
Với quan điểm coi “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”, một trong ba đột phá chiến lược được xác định trong Báo cáo chính trị Đại hội XI, XII và tiếp tục xác định tại Đại hội XIII Đảng ta đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII đã đề ra và được Đại hội XIII bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Cụ thể “Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ…”, “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”… .
Quan điểm “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý” của Đảng đã chỉ ra điểm mấu chốt trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, đó là cần những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực phẩm chất, có năng lực quản trị tốt nhằm góp phần đưa đất nước phát triển.
Thứ ba, tư duy mới của Đảng về mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới” .
Điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là cần phải chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Do vậy, Đảng nhấn mạnh cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hội đủ phẩm chất “6 dám”, đó là: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Từ yêu cầu này, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp: “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ” …
Thứ tư, tư duy mới của Đảng tại Đại hội XIII về phát triển con người.
Kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội trước, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhất quán khẳng định con người là trung tâm của sự phát triển và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện. Đảng ta chủ trương: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Để thực hiện chủ trương này, Đại hội XIII của Đảng nêu nhiệm vụ, giải pháp: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”; thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”.
Tóm lại, với những đột phá được xác định trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định một lần nữa sự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của Đảng ta. Việc nghiên cứu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là việc cần thiết để các cấp, các ngành triển khai vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay./.
ThS. Hoàng Thị Kim Oanh
Giảng viên Tổ BM Lý luận chính trị